Sự "chao đảo" trong quỹ đạo của mặt trăng và và sự thay đổi của mực nước biển do biến đổi khí hậu đang vô tình tạo nên thảm họa cho người Trái Đất.
Nghiên cứu vừa công bố trên Nature Climate Change, do NASA và Đại học Hawaii dẫn đầu, đã đưa ra nguyên nhân của hàng loạt trận lũ nghiêm trọng ven bờ Đại Tây Dương: do sự thay đổi của mặt trăng – vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái Đất.
Theo NASA, quỹ đạo của mặt trăng chịu trách nhiệm về chu kỳ thay đổi của thủy triều, diễn ra 18,6 năm một lần. Một nửa quảng thời gian này thủy triều khá hiền hòa, mức cao nhất và thấp nhất không quá chênh lệch; nhưng ở nửa còn lại, thủy triều lúc cao lên cao hơn bình thường, thủy triều thấp cũng thấp hơn bình thường. Mặt trăng đang có cú "chao đảo" trên quỹ đạo để đi vào thời kỳ khắc nghiệt đó.
Đó là một tin xấu cho Trái Đất vì chúng ta đang bước vào giai đoạn đối phó khó khăn với mực nước biển dâng cao. Điều đó cộng với những cú vọt cao của thủy triều sẽ có thể tạo nên những trận lũ lịch sử.
Theo Yahoo News, vào năm 2019, Cơ quan Khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) đã báo cáo tới 600 trận lũ được gây ra bởi hiện tượng này ở vùng ven biển Đại Tây Dương. Mặt trăng sẽ tiếp tục hoạt động mạnh trong thời gian tới cũng như nươc biển sẽ tiếp tục dâng do biến đổi khí hậu. Vào năm 2030, số trận lũ có thể gấp 3-4 lần con số này.
Tất nhiên chúng ta không thể điều khiển mặt trăng và bản chất chu kỳ của nó là điều tự nhiên, không thể gây thiệt hại lớn nếu như không vô tình kết hợp với các tác động từ biến đổi khí hậu. Biết được điều này sẽ giúp hoàn thiện mô hình cảnh báo lũ lụt, cũng như sự đẩy mạnh các giải pháp chống biến đổi khí hậu.
Anh Thư (NLĐO)