Ngắm những cánh hoa tươi sau cơn mưa chiều Sài Gòn, Nguyễn Hồng Lợi nhẹ lau từng tấm huy chương bơi lội đánh dấu chặng đường không gục ngã của chính mình...
Cơ thể khuyết thiếu và trái tim mạnh mẽ
"Có lẽ nghiệt ngã là thứ đã sinh ra Lợi. Nhưng điều cần làm hiện nay là cảm ơn chúng, bởi nhờ vậy mà mình mới có thêm nhiều lý do để cố gắng hơn", Lợi chân tình sẻ chia.
Vừa dứt câu, Lợi nhảy xụp xuống khỏi cái ghế cao ngang người mình rồi tiến đến bàn làm việc đặt sẵn dưới nền nhà. Chàng trai khuyết thiếu tay chân, chỉ cao chưa đầy 1,2m này rất bận rộn. Những họa tiết cho bộ thiết kế mùa xuân hay lịch tập luyện bơi lội thi đấu cứ sắp sẵn cho Lợi. Nhưng, đó là câu chuyện của hiện tại...
Ngược thời gian trở lại một ngày cuối xuân năm 1987, thời khắc Nguyễn Hồng Lợi - cậu bé với cơ thể khuyết thiếu nhưng có trái tim mạnh mẽ ra đời. Ngay khi cất tiếng khóc đầu tiên, Lợi đã chịu "cách ly" khỏi vòng tay mẹ. "Ngoài dị tật thì thể trạng tốt" - đó là nhận định của các y bác sĩ về sức khỏe Lợi lúc vừa sinh.
Mãi 5 tháng sau, Lợi và mẹ mới được gặp nhau. Cuộc gặp gỡ mẹ con tưởng chừng là điều giản đơn ấy lại khiến dì Nghĩa (người chăm cậu từ khi mới lọt lòng) phải mất ngủ nhiều ngày liền. Bà lo em gái mình không trụ nổi trước cú sốc khi chứng kiến sự thật.
Bà Nghĩa buộc phải "gói ghém" Lợi trong chiếc khăn tắm với hi vọng che đi được những khuyết thiếu. "Duyệt" trước cả chục lần là cách để bà Nghĩa chắc chắn mẹ cậu sẽ không nhận ra sự thật buồn.
Rồi ngày đó cũng đến, căn nhà lụp xụp ven sông Sài Gòn (Q.2) của bà Nghĩa là nơi hai mẹ con gặp nhau. Mọi thứ đều theo kế hoạch, khuôn mặt kháu khỉnh của Lợi là tất cả những gì người mẹ thấy và biết được về con mình.
Và rồi, Lợi tiếp tục xa mẹ, bởi bà đau ốm và còn những lý do không thể nói nên lời. Đứa trẻ chưa đầy 1 tuổi cứ vui sống trong tình thương bao người. Còn mẹ cậu thì không. Linh cảm người mẹ luôn cảm thấy có điều gì đó không ổn, nhưng lúc đó bà không đủ sức khỏe để đi tìm sự thật. Nhưng rồi, cuối cùng bà cũng nhìn thấy được thân hình không đủ đầy của con mình.
Đó là một ngày mưa, bà gắng sức đi như lết trên đoạn đường hơn chục cây số đến chỗ Lợi. Vẫn là đứa con với khuôn mặt thương yêu ấy, nhưng thân hình thì không. Bà điếng người trước sự thật rồi ngã gục. Cú ngã không quá mạnh, nhưng bà không thể tự đứng lên. Nỗi đau khiến người mẹ vốn chẳng khỏe mạnh gục ngã hẳn.
Lợi và mẹ của mình - Ảnh: CÔNG TRIỆU chụp lại
Trầm cảm nặng, mẹ Lợi chỉ khóc. Trong cơn mơ, bà mong mình được hoán đổi thân thể lành lặn cho phần khuyết thiếu của con. Mẹ ốm, mọi người xóm định cư ven sông Sài Gòn càng thương Lợi hơn. Cậu có thể ăn cơm nhà này, ngủ lại nhà kia. "Thằng cụt" là tên yêu thương mà người nơi đây đặt cho Lợi và cậu cũng chẳng buồn mà còn rất vui với cái tên "ngộ nghĩnh" ấy.
Cõng cháu trên lưng, bà Nghĩa rong ruổi khắp Sài Gòn. Bán vé số, nhặt ve chai là cách bà kiếm từng đồng bạc lẻ để chăm Lợi. Bà Nghĩa kể hay dừng chân ở chợ Bến Thành và các tiểu thương ở đây rất thương Lợi. Họ chuyền tay nhau ẵm bồng cậu suốt trưa để bà có lúc ngả lưng.
Nhiều hôm mưa, tiểu thương ở chợ còn cho Lợi cả tiền mua bỉm, sữa. Được gần gũi với mọi người từ nhỏ khiến "thằng cụt" xóm định cư cứ ngày một dạn hơn. "Lợi rất hiếu động", mẹ Lợi được ủi an phần nào bởi sự hiếu động, vui tươi của con mình.
“Lợi đi Đức. Không còn cõng cháu trên lưng, đường mưu sinh của bà Nghĩa nhẹ gánh nhưng bà vẫn muốn có cháu theo cùng. Bà ước ngày Lợi về, sẽ được nắm tay cháu bước đi. Ai cũng mong phép mầu đến với cậu bé chịu nhiều thiệt thòi.
|
Tập bò, tập đi và... anh Lợi
Lên 2 tuổi, Lợi được Sở Y tế, Hội Chữ thập đỏ TP.HCM đưa sang Tây Đức khám bệnh. Ông Nguyễn Văn Hạnh (64 tuổi, cậu của Lợi) cho biết chuyến đi kéo dài hơn 6 tháng do một vị giáo sư tên Ran tài trợ. "Mong thằng cụt thôi cụt" - đó là những gì mà mọi người nghĩ đến trong lúc cõng Lợi ra sân bay.
Đằng đẵng nửa năm, rồi cũng đến ngày Lợi về. Hình ảnh "thằng cụt" dần hiện trên chiếc xe lăn được người khác đẩy giúp. Lợi nhớ mọi người. Cậu đưa mỗi cánh tay lành lặn huơ huơ mừng. Ngoài được "ăn sướng" khiến Lợi có da thịt hơn thì chẳng mấy thay đổi. Bao hi vọng cho chuyến đi khiến mọi người quay mặt giấu giọt nước mắt thương cậu bé.
Về nhà, Lợi bắt đầu tập bò. Phải khá lâu, Lợi mới bò được vì phần khớp xương cuối hai đầu chân vẫn còn mềm. Việc Lợi bò được một hai bước cũng đã là mơ ước của mọi người. Càng tập bò, sự hiếu động của Lợi càng lộ rõ. "Thằng cụt" hôm nào nay thoắt đã bò đi xa. "Trong rủi có cái may", cậu của Lợi bảo thế.
Tuổi gần lên 3, khi đã quen bò, Lợi lại muốn tập đi. Bò nhiều khiến phần thịt cuối hai cẳng chân của cậu chai cục, nhưng phần xương thì chưa. Thiếu khuyết bàn chân khiến Lợi không thể tự đứng lên, chưa kể giữ thăng bằng. Tập đi rồi ngã sõng soài sưng cả đầu với Lợi là không đếm xuể. Đau đớn, nhưng cậu chưa bao giờ bỏ cuộc. "Được đi là đặc ân ông trời ban tặng cho đứa trẻ tội nghiệp này", bà Nghĩa nói như khóc về những bước đi đầu tiên của cháu. Hết sức khó khăn và đau đớn, rồi cũng đến ngày Lợi biết đi.
Và không những đi, dần dần Lợi còn có thể chạy. Rồi Lợi cũng đến tuổi đi học. Nhưng ngay lần đầu tiên, cậu bé đã không được trường nhận. Ban giám hiệu từ chối cậu với lý do họ sợ không thể dạy dỗ tốt cậu bé với thân hình quá đặc biệt này.
Nguyễn Hồng Lợi khi còn nhỏ với cơ thể khuyết thiếu - Ảnh: CÔNG TRIỆU chụp lại
Việc Lợi bị từ chối nhập học khiến mẹ và dì cậu một lần nữa như rơi xuống hố sâu tuyệt vọng. Lợi cũng vậy. Cậu khóc òa. Lần đầu Lợi khóc lớn vì buồn và sợ hãi trước cảm giác yếu đuối, bất lực. Cậu dần nhận ra mình đặc biệt, sự đặc biệt có phần khác biệt bao chúng bạn.
Tin "thằng cụt" bị từ chối nhập học truyền đến tai các cô giáo ở Làng Hòa Bình (Bệnh viện Từ Dũ, Q.1, TP.HCM). Một bác sĩ tên Tần đã tìm đến tận nhà cậu. "Con có thể đi học", vị bác sĩ chỉ nói nhiêu đó nhưng đủ để vực dậy biết bao con người, nhất là Lợi.
Cậu biết vào làng sẽ phải xa mẹ, xa dì. Nhưng thằng bé muốn được đi học. Nhớ nhà, Lợi có khóc, rồi đám bạn trong làng nhanh chóng làm Lợi vui. Ở đây, thân hình khuyết thiếu của Lợi sẽ không còn là thứ gì đó đặc biệt nữa. Nếu có thì đó là đặc ân bởi Lợi lanh lẹ, tháo vát hơn cả.
Ngoài đi học, ở đây Lợi được giao nhiều việc khác như chăm em, phụ dọn dẹp... "Thằng cụt" xóm nghèo bên sông bắt đầu một hành trình mới mà ở đó cậu được gọi với cái tên thương yêu khác - anh Lợi.
"Cách cầm bút là toàn bộ nội dung tôi học ở các buổi đầu đến trường. Nhưng khác mọi người, tôi chỉ có thể cầm bút tay trái. Cây bút không làm khó được tôi dù tay trái còn lắm khi không tuân theo ý chủ"...
“Cách cầm bút là toàn bộ nội dung tôi học ở các buổi đầu đến trường. Nhưng khác mọi người, tôi chỉ có thể cầm bút tay trái. Cây bút không làm khó được tôi dù tay trái còn lắm khi không tuân theo ý chủ”...
Kỳ tới: Học cầm bút |
Công Triệu (TTO)