Theo tờ Space, các quan sát không gian cho thấy vết đen Mặt Trời AR3310 hiện đã có kích thước gấp 4 lần Trái Đất, to đến nỗi bạn hoàn toàn có thể nhìn thấy nó trông như một "lỗ thủng" trên ngôi sao mẹ bằng mắt thường - tất nhiên bằng kính lọc an toàn.
Vết đen Mặt Trời chính là nơi từ trường của sao mẹ có những rối loạn nhất định, khiến nó trở thành một họng súng liên tục bắn ra xung quanh những quả pháo sáng năng lượng cao và cả những quả cầu lửa gọi là "vụ phóng khối lượng đăng quang" (CME).
Ảnh đồ họa cho thấy AR3310 - vết đen Mặt Trời ở nửa dưới của ngôi sao - có độ lớn lấn át Trái Đất được đặt ngay bên dưới - Ảnh: Bum-Suk Yeom |
Trái Đất sẽ bị ảnh hưởng bởi các quả pháo sáng và cầu lửa này khi vết đen Mặt Trời quay mặt về phía chúng ta.
Các quả đạn năng lượng này khi va đập vào các đường sức từ của từ quyển Trái Đất sẽ tạo ra cái gọi là bão địa từ (bão Mặt Trời), dẫn đến cực quang đẹp mắt nhưng bên cạnh đó là thiệt hại đến lưới điện, hệ thống vô tuyến, định vị, thậm chí đủ sức quật ngược vệ tinh đang phóng rơi trở lại Trái Đất.
Tập đoàn SpaceX (Mỹ) đã gặp một sự cố như vậy vào tháng 2-2022, khi một cơn bão địa từ làm rơi 40 vệ tinh Starlink đang phóng.
AR3310 đã từng gây ra bão địa từ từ ngày 16-5, khi nó chưa thật sự quay đúng hướng Trái Đất.
Các cơn bão địa từ do nó và "bạn đồng hành" AR3311 liên tục gây ra gián đoạn sóng vô tuyến ở nhiều nơi trên khắp hành tinh những ngày sau đó, nhưng may mắn chỉ là những vụ ngắn, chưa có thiệt hại lớn.
Hiện tại, vết đen đang ở rìa của Mặt Trời, chuẩn bị rời khỏi Trái Đất và có độ lớn ấn tượng hơn nhiều so với lúc mới xuất hiện.
Nhà thiên văn học Hàn Quốc Bum-Suk Yeom đã tạo ra ảnh đồ họa cho thấy diện tích vết đen này lớn gấp 4 lần diện tích mặt cắt của Trái Đất.
Để quan sát nó bằng mắt thường, bạn sẽ cần một chiếc kính đặc biệt - loại thường dùng để quan sát nhật thực - nhằm ngăn chặn tia UV cực mạnh từ ngôi sao mẹ gây hại cho mắt; hoặc có thể sử dụng ống nhòm quan sát Mặt Trời chuyên dụng.