Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

Lần đầu tiên chụp trực tiếp hành tinh đang bị "mặt trời" ăn thịt

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Sự thật có thể khiến bạn rùng mình: Hành tinh xấu số như một ví dụ sống động về tương lai của Trái Đất.

Các nhà khoa học từ hai cơ sở nghiên cứu lớn của Mỹ là Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và Viện Công nghệ California (Caltech) đã nắm bắt được "tại trận" khung cảnh tàn khốc của một vụ sao mẹ nuốt hành tinh.

Các dấu hiệu bất thường đầu tiên được phát hiện bởi nhà nghiên cứu Kishalay De từ MIT vào năm 2020 khi xem xét các bản quét bầu trời mà Đài quan sát Palomar của Caltech đã ghi nhận.

Cách một hành tinh bị "mặt trời" của chính nó nuốt chửng - Ảnh: MIT/Caltech/IPAC-AP

Cách một hành tinh bị "mặt trời" của chính nó nuốt chửng - Ảnh: MIT/Caltech/IPAC-AP

Đó là một thứ gì đó bí ẩn, lóe sáng như một vụ nổ. Ban đầu nó bị nghi ngờ là một ngôi sao đang nuốt ngôi sao đồng hành của nó, điều đã từng quan sát trước đó ở một số hệ sao đôi. Nhưng các phân tích kỹ lưỡng sau đó cho thấy nó đang nuốt một hành tinh khổng lồ - "con" của chính nó.

Hành tinh xấu số là một Sao Mộc nóng - dạng hành tinh to như Sao Mộc hoặc hơn, cũng là hành tinh khí nhưng ở gần sao mẹ nên nóng bỏng.

Theo tờ Time, trước đó đã có một số quan sát cho thấy tàn tích của các vụ sao mẹ nuốt hành tinh, nhưng đây là lần đầu tiên một đài thiên văn chụp được trực tiếp khoảnh khắc sự kiện đang xảy ra.

Do ngôi sao và hành tinh xấu số của nó đang ở rất xa, nên thực tế vụ việc đã xảy ra khoảng 10.000-15.000 năm trước ở gần chòm sao Thiên Ưng.

Khi hành tinh bắt đầu rơi vào "miệng" ngôi sao nóng bỏng - đang trong giai đoạn bùng lên thành sao khổng lồ đỏ khi đạt 10 tỉ tuổi - một luồng ánh sáng bùng lên nhanh chóng, theo sau là một luồng bụi kéo dài tỏa sáng rực rỡ bằng năng lượng hồng ngoại mạnh.

Nhà nghiên cứu Mansi Kasliwal từ Caltech, đồng tác giả, cho biết với thời gian tồn tại hàng tỉ năm của ngôi sao và hành tinh, khoảnh khắc hành tinh bị ăn thịt này chỉ như một cú rơi nhanh chóng.

Bình luận về công trình, nhà vật lý thiên văn Carole Haswell từ Đại học Mở của Anh, người không tham gia nghiên cứu, cho biết phát hiện này rất khác biệt so với các nghiên cứu trước đó về việc các sao mẹ nuốt sao.

"Đây là một kiểu ăn uống khác. Ngôi sao này nuốt chửng cả một hành tinh trong một ngụm. Ngược lại WASP-12b và các Sao Mộc nóng khác mà chúng tôi đã nghiên cứu trước đây bị liếm và gặm nhấm dần một cách tinh vi".

Đáng sợ hơn, những gì xảy ra ở "hệ mặt trời" xa xôi đó lại là hình ảnh tương lai của Trái Đất. Khi Mặt Trời, ngôi sao mẹ của chúng ta cũng đạt 10 tỉ tuổi, nó được dự báo sẽ bắt đầu cái chết bằng cú bùng lên thành sao khổng lồ đỏ như đã được quan sát ở nhiều ngôi sao khác.

Không may, Mặt Trời có vài hành tinh con ở quá gần nó. Điều này có nghĩa sao lùn đỏ sẽ nuốt chửng một cách nhanh chóng ít nhất là Sao Thủy, Sao Kim và Trái Đất. Nếu nhân loại hoặc một dạng sống nào khác còn tồn tại, cách sống sót tạm thời duy nhất là phải sống trên... Sao Hỏa hoặc xa hơn.

Nghiên cứu mới của MIT và Caltech vừa được công bố trên tạp chí khoa học Nature.

Có thể bạn quan tâm