Thời sự - Bình luận

Máy móc TQ tăng tốc vào Việt Nam: Trách rác thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Theo chuyên gia, luật Việt Nam đã khá đầy đủ, sợ nhất là khâu quản lý, quy trình thực hiện, giám sát... bị buông lỏng.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng 2019, gần 4,4 tỷ USD đã được chi ra để nhập khẩu máy móc, thiết bị dụng cụ phụ tùng từ Trung Quốc, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2018.
Bình luận về con số này, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho biết, việc tăng nhập máy móc từ Trung Quốc có liên quan đến nguồn vốn đầu tư từ quốc gia này tăng mạnh vào Việt Nam trong thời gian qua.
Tính hết tháng 5, lần đầu tiên Trung Quốc vươn lên vị trí dẫn đầu các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đạt 2 tỷ USD. Riêng phần cấp mới tăng đến 450% so cùng kỳ, chiếm 1,56 tỷ USD.
Chia sẻ với nỗi lo của nhiều người về nguy cơ Việt Nam hứng rác công nghệ từ Trung Quốc khi dòng vốn của nước này tăng cường đầu tư vào Việt Nam song PGS.TS Nguyễn Văn Nam cũng phân tích rõ, việc nhập khẩu máy móc, thiết bị này là để phục vụ cho các dự án của nhà đầu tư Trung Quốc. Những dự án này, khi phía Việt Nam phê duyệt thì phải đề xuất công nghệ, công nghệ lạc hậu thì cấm, còn cho phép tiếp nhận công nghệ nào doanh nghiệp Trung Quốc nhập công nghệ ấy.
"Khi đã chấp nhận dự án đầu tư thì cơ quan chức năng nhà nước và địa phương phải duyệt. Ví dụ, thời gian qua, nhà đầu tư Trung Quốc phần lớn đăng ký đầu tư các dự án chế tạo, chế biến, những dự án ấy phải có chứng nhận sử dụng công nghệ nào.
Khi Việt Nam đã duyệt rồi thì không thể cấm nhập khẩu công nghệ ấy được. Đó là dự án doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư thì họ chịu trách nhiệm, còn những dự án liên doanh, góp vốn thì phía Việt Nam lại có yêu cầu công nghệ khác của mình và chủ liên doanh phải chịu trách nhiệm", PGS.TS Nguyễn Văn Nam giải thích.
 
4 tháng đầu năm 2019, lượng máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng nhập từ Trung Quốc đạt gần 4,4 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ. Ảnh minh họa
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại nhấn mạnh rằng, việc Việt Nam đặt ra yêu cầu là để tránh biến đất nước thành bãi rác công nghệ.
"Luật Việt Nam đã có đầy đủ quy định: cho phép nhận công nghệ nào, không chấp nhận công nghệ nào, đồng thời đề xuất các tiêu chuẩn về môi trường. Nếu nhà đầu tư đưa vào công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường thì ta kiên quyết không chấp nhận.
Như tôi đã nói, một khi phía Việt Nam đã duyệt dự án đầu tư thì doanh nghiệp sẽ nhập thiết bị vào, chỉ có điều phải có giám sát và lực lượng hải quan phải đủ trình độ để kiểm tra công nghệ ấy xem có đúng yêu cầu, cam kết không.
Điều quan trọng nhất chính là ở chỗ này: Bản thân nhà đầu tư phải làm đúng với cam kết, đúng luật lệ của Nhà nước Việt Nam, song chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cũng phải làm nhiệm vụ của mình, theo dõi, kiểm tra đến nơi đến chốn, chứ không phải được cho quà rồi tặc lưỡi cho qua", PGS.TS Nguyễn Văn Nam chỉ rõ.
Vị chuyên gia nhắc lại nhiều bài học Việt Nam đã trải qua với nguồn vốn đầu tư Trung Quốc, mà điển hình là dự án đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, Gang thép Thái Nguyên...
Bởi đã có nhiều bài học nên lâu nay luôn tồn tại một định kiến trong người dân Việt Nam, đó là vốn đầu tư Trung Quốc không tốt, không chỉ vì bởi chất lượng mà còn là thái độ của nhà đầu tư - tìm mọi cách để đội vốn, chậm tiến độ. Song PGS.TS Nguyễn Văn Nam lưu ý rằng, trong những dự án đã trải qua, nhiều dự án có phần lỗi của cả phía Việt Nam khi chậm giao mặt bằng, buông lỏng quản lý, trình độ quản lý kém... Hệ quả là khi nhà đầu tư Trung Quốc viện hết lý do nọ lý do kia mà phía Việt Nam không lý giải được, cuối cùng ta chấp nhận, nhiều lần như vậy khiến dự án kéo dài cả chục năm, đội vốn gấp đôi, gấp ba...
"Nhà đầu tư luôn tìm cách bảo vệ lợi ích của họ. Bản thân nhà đầu tư Trung Quốc, khi cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc đang diễn biến căng thẳng, họ muốn vào Việt Nam làm ăn, thuê lao động Việt Nam, lợi dụng đất đai, lấy xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu mà không bị ràng buộc bởi quy định của thị trường Mỹ và các nước phát triển khác.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam nhận rác'hay không chủ yếu là do chính chúng ta, do đội ngũ cán bộ siết chặt hay buông lỏng quản lý, giám sát. Nhà đầu tư Trung Quốc hiểu Việt Nam tận chân tơ kẽ tóc nên cái khó nhất của ta trong việc chặn rác công nghệ chính là ở khâu cán bộ", PGS.TS Nguyễn Văn Nam nói.
Thành Luân (Đất Việt)

Có thể bạn quan tâm