Phóng sự - Ký sự

Mẹ Suốt và dòng sông Nhật Lệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chúng tôi đến Quảng Bình trong ngày hè nắng oi ả. Đứng dưới tượng đài mẹ Suốt- bên dòng sông Nhật Lệ, cuối đầu mặc niệm tưởng nhớ công lao và sự hy sinh của mẹ trong những ngày chống Mỹ trên dòng sông.

Sông Nhật Lệ mùa này nước trong xanh soi bóng những hàng dừa xanh. Những con tàu neo đậu san sát bên mép bờ. Cuộc sống thanh bình như xóa nhòa dấu tích của chiến tranh... Nhưng, những chứng tích mà dòng sông mang nặng những câu chuyện tình đầy nước mắt của công chúa Huyền Trân, về hình ảnh mẹ Suốt hiên ngang trong mưa bom bão đạn để chèo đò đưa bộ đội, dân quân, vận chuyển vũ khí sang sông tiếp viện cho chiến trường miền Nam đánh Mỹ cứ làm xúc động lòng người.

Mẹ Suốt tên thật là Nguyễn Thị Suốt, sinh năm 1906 tại xã Bảo Ninh thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Mẹ sinh trưởng trong một gia đình ngư dân nghèo, "Sớm chiều nước xuống triều lên.../Lớn đi ở bốn cửa người/Mười hai năm lẻ một thời xuân qua" (Tố Hữu).

Tượng đài mẹ Suốt bên dòng Nhật Lệ. Ảnh: Trường An


Trong thời kỳ đế quốc Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc Việt Nam, Quảng Bình là một trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay và hải quân Mỹ. Những chiếc cầu, phà, các bến sông là mục tiêu mà chúng cho là quan trọng nhất để đánh phá hòng hạn chế, tiến đến thủ tiêu sự chi viện của hậu phương lớn-miền Bắc cho chiến trường miền Nam thân yêu.

Lúc đó, mặc dù mẹ Suốt tuổi đã cao nhưng "Mẹ rằng: Cứu nước mình chờ chi ai" (Tố Hữu). Mẹ đã xung phong đảm nhiệm công việc vận chuyển bộ đội qua sông, chuyển vũ khí, lương thực ở Quảng Bình ra các tàu Hải quân ta để chi viện cho chiến trường miền Nam. Có những lần, con đò mới đến giữa dòng sông thì máy bay địch lao đến bắn phá dữ dội, con thuyền bị bom dội lật úp, nhưng mẹ vẫn bình tĩnh cầm chắc tay chèo, điều khiển con đò vượt qua mưa bom cập bến an toàn, mẹ không để cho một chiến sĩ nào chết đuối.
Trên bến sông Nhật Lệ có những thời điểm khắc nghiệt. Từ ngày 7- 11-2-1965, địch tập trung oanh tạc thị xã Đồng Hới. Mẹ vừa bận rộn đưa quân và vũ khí sang sông, vừa lại đón chị Nguyễn Thị Trang mới sinh nở chỉ 12 tháng. Lúc con đò ra giữa dòng thì bom Mỹ trút xuống dữ dội, chị đã hốt hoảng ôm con nhảy xuống sông. Mẹ đã kịp thời cứu cả hai mẹ con thoát chết.

Bên dòng Nhật Lệ hôm nay. Ảnh: Trường An

Hình ảnh người mẹ mặc đồ bà ba đen bên con đò đã quen thuộc với những chiến sĩ, dân quân trên đường vận chuyển vũ khí, lương thực qua dòng sông Nhật Lệ trong quãng thời gian từ tháng 2-1965- 1968 và hình bóng mẹ như một biểu tượng của tình yêu nước, lòng quả cảm trên đất lửa Quảng Bình.


Cảm phục trước sự dũng cảm vì miền Nam vì sự nồng ấm tình người của mẹ, các chiến sĩ, bà con trong vùng đều gọi mẹ với cái tên thương mến "Mẹ Suốt". Tháng 1-1967, mẹ Suốt đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Mẹ trở thành biểu tượng chung của những người phụ nữ Việt Nam gan dạ, giàu lòng quả cảm, quên mình hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.


Nhưng rồi, ngày 13-10-1968, một ngày định mệnh của mẹ trên dòng sông lịch sử. Trong một trận mưa bom dữ dội của kẻ thù, mẹ đã anh dũng hy sinh. Từ đó dòng sông Nhật Lệ đã khắc ghi tên mẹ và huyền thoại mẹ Suốt đã đi vào lòng người qua lời thơ, tiếng hát của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến hôm nay.


Giờ đây, đứng nhìn dòng sông Nhật Lệ lặng lờ trôi, chúng tôi thầm nghĩ, rằng lịch sử có sự trùng hợp đến kỳ lạ. Thời vua Trần Nhân Tông, sau khi truyền ngôi cho con là Trần Anh Tông lên tu hành tại núi Yên Tử, ngài thường xuyên đi du ngoạn đây đó, có lúc vào đến đất Chiêm Thành. Vua Chế Mân biết người khách khoác áo cà sa ấy là Thái Thượng Hoàng xứ Đại Việt nên đã tiếp đãi nồng hậu. Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông cảm tình nên hứa gả công chúa Huyền Trân cho ông vua trẻ Chế Mân. Chế Mân cắt hai châu Ô, Lý làm của hồi môn, rước Huyền Trân về Nam. Khi làm dâu xứ người, nước mắt công chúa Huyền Trân âm thầm rơi vào cửa sông Nhật Lệ này cùng với những lời ai oán trong “Nước non ngàn dặm” được cho là lời của Huyền Trân công chúa: “Nước non ngàn dặm ra đi/ Mối tình chi! Mượn màu son phấn/ Đền nợ Ô, Ly/ Xót thay vì/ Đương độ xuân thì/ Số lao đao hay là nợ duyên gì...". Công chúa Huyền Trân làm hoàng hậu Chiêm Thành một năm thì Chế Mân mất.  


Theo tục lệ Chiêm Thành, vua mất thì các cung phi cũng phải lên dàn hỏa thiêu tuẫn táng theo. Vua Trần Anh Tông hay tin, sợ công chúa bị hại bèn sai võ tướng Trần Khắc Chung sang Chiêm Thành tìm cách đưa công chúa Huyền Trân về. Sử sách ghi lại cuộc hôn nhân của nàng công chúa trẻ Huyền Trân và vua Chế Mân thực chất là một cuộc hôn nhân chính trị, nhờ đó mà hai châu Ô, Lý thuộc về Đại Việt mà không đẫm máu. Hai con người, ở mỗi thời đại khác nhau nhưng đều khắc ghi lòng quả cảm, hy sinh vì non nước trên dòng sông. Đến Nhật Lệ, thả hồn theo những bước chân trần trên cát, lãng du vào những câu chuyện cổ tích dạt dào tình yêu, ngắm nhìn tượng đài Mẹ Suốt bất khuất, người đã một thời ngẩng cao đầu mặc mưa bom, bão đạn, chở bộ đội trên dòng Nhật Lệ huyền thoại. Nhìn những chuyến tàu đi khơi, đi lộng về neo đậu trên dòng sông trong sắc trời chiều thanh bình, yên ả, chúng tôi càng hiểu sâu hơn câu thơ của Tố Hữu: "...Sông bao nhiêu nước nghĩa tình bất nhiêu....".

Trường An


 

Có thể bạn quan tâm