Du lịch

Mênh mang cù lao Chàm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cù lao Chàm là một cụm đảo nằm ở xã Tân Hiệp, TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Cái tên cù lao Chàm thân thương gắn liền với đất, với người Quảng Nam tự bao đời. Hôm nay cù lao Chàm càng được nhiều người biết tới bởi đây còn là một địa điểm du lịch có khí hậu quanh năm mát mẻ, hệ động-thực vật phong phú, nguồn hải sản và tài nguyên phong phú. Nhưng có lẽ đặc biệt nhất chính là sự hồn hậu, chân chất và phóng khoáng, cần lao của những con người đang ngày đêm sống giữa mênh mang biển khơi làm nên sự thay da đổi thịt vùng đất này.
 

Ảnh: Thu Thủy
Ảnh: Thu Thủy

Thay vì đi cùng tàu với mọi người, chúng tôi quyết định thuê ca nô ra đảo. Có đến với biển và hít sâu trong lồng ngực cái khoáng đạt, mặn mòi của biển, chúng tôi mới biết được giá trị vẻ đẹp của biển trời quê hương. Biển Quảng Nam những ngày cuối thu xanh ngút tầm mắt và êm đềm một cách lạ kỳ. Từng tia nắng long lanh nhảy nhót trên ngọn sóng, phủ lên mặt biển một lớp áo bạc mỏng như tơ.

Thỉnh thoảng giữa biển khơi lại xuất hiện từng đảo nhỏ, xanh rì với các hình thù kỳ lạ. Náo nức trong tâm trạng của người đầu tiên được khám phá, chúng tôi như quên đi cảm giác nôn nao vì say sóng. Rong ruổi gần 45 phút, chiếc ca nô xé sóng chở chúng tôi đến với cù lao Chàm xanh thanh bình nằm giữa mênh mông biển rộng.

Ngay trước khi lên đảo, hai chàng trai lái ca nô bảo: “Các anh chị khi ra ngoài nớ chỉ được đem một chai nước và một túi ni lông thôi”. Cũng hơi ngỡ ngàng vì điều này nhưng hỏi ra mới biết, bất cứ ai đều phải như thế vì ngoài cù lao Chàm không có nơi xử lý rác thải. Thế mới biết, mặc dù làm du lịch để kiếm sống nhưng người dân xứ Quảng cũng dần có ý thức và trách nhiệm trước việc bảo vệ môi trường. Đặt chân lên bến thuyền cũng là nơi người dân họp chợ, chúng tôi được bà con đón chào bằng nụ cười đôn hậu, nhiệt tình.

Ảnh: Thu Thủy
Ảnh: Thu Thủy

Mang tiếng là chợ nhưng thực ra đây chỉ là điểm buôn bán với hơn chục quầy hàng cả lớn lẫn nhỏ, chủ yếu là bán các sản vật khai thác từ biển như cá, mực, tôm, ốc. Vừa nghe chúng tôi nói chuyện, cô chủ quán tên Kim hồ hởi: Các chị ở Gia Lai à? Em cũng là dân Gia Lai đây. Hỏi ra mới biết, cô ở xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông, mới lấy chồng người Quảng Nam và ra đảo được vài tháng. Mới lấy chồng lại ra đảo, gặp người cùng quê mừng thì cũng phải. Cô nói rất vui: “Người ở đảo chân chất lắm chị ơi! Mang tiếng là làm du lịch nhưng hoàn toàn không có cảnh chụp giật, chen lấn hay ép khách như ở các nơi khác đâu”.

Cù lao Chàm là một di tích văn hóa lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An gồm 8 đảo nhỏ với dân số khoảng 3.000 người. Tại đây còn nhiều di tích thuộc các nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt với các công trình kiến trúc cổ của người Chăm và người Việt có niên đại vài trăm năm. Năm 2009, cù lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới. 

Trước đây ở cù lao Chàm chủ yếu dân đi biển ở và đánh bắt hải sản. Nhưng sau đó, do cảnh trí đẹp, phù hợp nên mới trở thành điểm đến lý tưởng của du khách gần xa và việc kiêm thêm dịch vụ du lịch cũng bắt đầu phát triển. Nói dịch vụ du lịch cho oách chứ thực tế cũng chẳng có gì nhiều ngoài bán sản vật ở đây và mở vài quán ăn dọc bờ biển. Người dân vốn quen với việc đi lưới, câu cá một đời chân chất giờ làm du lịch nên họ vẫn giữ thói quen đón khách hồn hậu như đón người thân của mình trở về.

Có thể nói, ít bờ biển nào đẹp, lý tưởng như bờ biển trên cù lao Chàm. Bãi cát dài ôm dọc bờ biển xanh ngăn ngắt, trong veo và đặc biệt là rất ít sóng lớn. Chính vì thế, nhiều du khách thích đến đây để tắm biển, ngắm san hô hay thậm chí chỉ ngồi trên bãi cát nhìn từng cơn sóng nhỏ lăn tăn vỗ về bờ cát trắng cũng thấy cuộc sống trở nên thi vị bội phần. Dưới bóng dừa mát rượi, những chiếc chòi được dựng sát biển hoặc những chiếc ghế dài thấp thoáng chính là nơi để du khách nghỉ ngơi. Vừa nhìn ngắm biển xanh cát trắng vừa thưởng thức những món ăn được xem là thú vui của du khách khi đặt chân đến đây.

Ở cù lao Chàm có rất nhiều món hải sản nghe tên thật kỳ lạ nhưng lại rất ngon như: cầu gai, ốc nón, ốc gai, sò huyết, tôm biển, ốc mỡ... Chính vì gần biển và ngư dân hàng ngày đánh bắt nên hải sản ở đây rất tươi và ngon, thậm chí nhiều loại cá, ốc còn sống bơi lội trong thau được rao bán ngay tại vỉa hè.

Chị Nguyễn Thị Bông-một người bán hàng tại chợ cù lao Chàm nở nụ cười hồn hậu: “Chị có để xe gắn máy cả đêm lẫn ngày ở đây cũng không bị mất đâu”. An ninh trật tự tốt như thế nên Công an xã hầu như ở trong tình trạng “thất nghiệp”. Chị còn kể cho chúng tôi nghe cuộc đời của mình và cả những người dân đang đêm ngày làm nên màu xanh của cuộc sống vùng đảo. Được sinh ra trên chính mảnh đất đầy ắp nắng trời, gió lộng và mênh mang biển xanh này, hơn 30 năm chị đã ngấm rất nhiều hương và vị của biển, của rừng và của cả núi.

Thu Thủy

Có thể bạn quan tâm