Du lịch

Mở cửa du lịch quốc tế giai đoạn mới: Còn đó nhiều khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mặc dù vừa trải qua giai đoạn thí điểm đón khách quốc tế được đánh giá khá thành công nhưng để có thể thực sự mở cửa lại "bầu trời quốc tế," ngành du lịch đang phải đối diện nhiều khó khăn.

Những vị khách quốc tế đầu tiên trở lại Phú Quốc thời gian qua. (Ảnh: TTXVN)
Những vị khách quốc tế đầu tiên trở lại Phú Quốc thời gian qua. Ảnh: TTXVN
“Bãi bỏ các quy định cách ly,” “mở cửa hoàn toàn cho du lịch,” “mở cửa du lịch không cần thí điểm”… là những kiến nghị của hầu hết các chuyên gia, lãnh đạo ngành du lịch địa phương tại hội thảo “Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế,” vừa diễn ra chiều nay (ngày 24/1), tại Hà Nội.
Song một thực thế phải thừa nhận, để có thể sớm mở cửa du lịch thế giới là rất nhiều khó khăn mà các bộ, ngành, địa phương trên cả nước phải đối diện và tháo gỡ.
Những tia sáng giữa “mây mù”
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá: “Ngành du lịch Việt Nam đã tạo ra luồng gió mới, thắp lên những tia sáng tích cực sau khi được Chính phủ cho phép thí điểm đón khách quốc tế. Gần hai tháng qua, có khoảng 8.500 lượt khách quốc tế tới Việt Nam và để lại kết quả tốt đẹp, cho thấy Việt Nam là điểm đến an toàn và thân thiện, mến khách; một đất nước đúng như những danh hiệu mà các tổ chức quốc tế đã bình chọn cho Việt Nam là điểm đến văn hóa, điểm đến di sản, điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á, điểm đến golf tốt nhất thế giới… góp phần tạo động lực cho quyết tâm phục hồi của toàn ngành.”
Tính đến ngày 23/01/2022, du lịch Việt đã đón được trên 8.500 du khách quốc tế đến 3 địa phương Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam. Khách du lịch chủ yếu từ các nước Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada… Trong đó, Phú Quốc (Kiên Giang) đón được 1.282 khách trên 10 chuyến bay, Khánh Hòa đón được 7.000 khách, Quảng Nam đón được 239 khách.
Bên cạnh những kết quả tích cực bước đầu, trong giai đoạn 1 Chương trình thí điểm cũng gặp một số khó khăn, hạn chế. Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh, việc áp dụng chính sách xét duyệt nhân sự, cấp thị thực nhập cảnh đối với khách du lịch quốc tế gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc kết nối lại, thu hút du khách từ các thị trường trọng điểm trước đây vốn đã được Chính phủ đồng ý miễn thị thực, làm giảm sức hấp dẫn của điểm đến du lịch trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực áp dụng chính sách thị thực linh hoạt hơn đối với du khách quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại hội thảo. Ảnh: PV
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng tại hội thảo. Ảnh: PV
Ông Nguyễn Trùng Khánh cho rằng quy định đối với du khách chỉ được tiếp xúc với cộng đồng sau khi đã tham gia các chương trình du lịch trọn gói, tại các điểm được chỉ định sẵn, trong thời gian tối thiểu 7 ngày của Chương trình thí điểm gây khó khăn trong việc thu hút khách nghỉ dài ngày, nhất là các thị trường các nước Đông Âu.
Bởi thực tế du khách mong muốn được tự do di chuyển, chọn dịch vụ do cộng đồng dân cư địa phương cung cấp, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính khi nhập cảnh.
“Chương trình thí điểm chưa quy định được đón khách du lịch quốc tế đến bằng đường bộ và đường biển, trong khi lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thông qua hai hình thức này rất tiềm năng, đó cũng là một trong những hạn chế để có thể thu hút và gia tăng thêm lượng khách du lịch quốc tế đến,” ông Khánh nói.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn số 10688/BYT-MT ngày 16/12/2021, các doanh nghiệp lữ hành có thể tổ chức cho du khách đi du lịch nước ngoài (outbound).
Tuy nhiên, việc triển khai trong thực tế chưa khả thi do chưa nhiều quốc gia công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc triển khai nối lại các đường bay thương mại quốc tế thường lệ hiện đang gặp khó khăn trong giai đoạn thí điểm (được bắt đầu từ ngày 01/01/2022).
“Mở cửa theo thông lệ quốc tế”
Thống nhất quy định từ trung ương, thành phố tới địa phương các quy định xét nghiệm, tiêm vaccine, thời gian, quy trình cách ly... là vấn đề khó nhất nếu muốn phát triển du lịch nội địa và quốc tế thời điểm này. Đây là quan điểm của Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), ông Trần Trọng Kiên.
Ông Kiên cho rằng các quy định dành cho doanh nghiệp du lịch đang quá khắt khe nên cần được bãi bỏ. Ngoài ra, do điều kiện khó khăn trong vấn đề xin thị thực, hạn chế di chuyển trong 7 ngày... mà năm qua, ngành du lịch chỉ đón được 8.500 du lịch - con số quá khiêm tốn so với trước kia.
“Tôi đề xuất không nên cách ly, các điều kiện phức tạp cũng nên được lược bỏ, không cần bảo hiểm. Giờ là thời điểm tốt nhất để mở cửa du lịch, do đó chúng ta nên mở cửa lại càng sớm càng tốt; người dân được thoải mái bay các chuyến bay thương mại mà không cần phải đáp ứng nhiều quy định. Cuối cùng, các quy định cho doanh nghiệp cũng cần mở rộng hơn, chỉ cần doanh nghiệp có giấy phép du lịch, lữ hành. Điều này mang lại ‘hơi thở sống’ cho ngành du lịch Việt sớm phục hồi,” ông Kiên nhấn mạnh.

Du lịch Việt đã và đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn. Ảnh minh họa: PV
Du lịch Việt đã và đang trải qua giai đoạn đầy khó khăn. Ảnh minh họa: PV
Đại diện cho các nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp về lộ trình mở cửa du lịch quốc tế, Trưởng ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Tư nhân (Ban IV), ông Trương Gia Bình chia sẻ thời gian qua, Ban IV đã dành nhiều cuộc nói chuyện, chia sẻ để tìm cách tháo gỡ, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch.
“Thật vô lý nếu chúng ta không mở du lịch hoàn toàn,” ông Bình nói. Ông cũng cho rằng việc mở hay không mở cửa đón khách du lịch quốc tế thì tình hình dịch trong nước vẫn thế. Bản chất vấn đề dịch là tiêm vaccine và các biện pháp giãn cách cần thiết.
Theo vị chuyên gia này, việc mở cửa đón khách du lịch quốc tế không làm tăng tỷ lệ tiêm vaccine trong nước. Đơn cử như việc thí điểm đón gần 8.500 khách du lịch 2 tháng qua, cũng cho thấy việc mở cửa du lịch quốc tế không ảnh hưởng đến tình hình dịch trong nước.
Ngoài ra, ông Trương Gia Bình cũng cho biết nếu không sớm mở cửa du lịch quốc tế thì đi ngược lại chính sách của Chính phủ - mong muốn nhanh chóng phục hồi nền kinh tế. Bởi nó có thể ảnh hưởng đến sinh kế của hơn 2,5 triệu lao động, tác động đến nhiều ngành kinh tế khác, khiến Việt Nam tự đánh mất cơ hội. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp đã vượt ngưỡng chịu đựng.
“Vậy chúng ta phải mở thế nào? Việt Nam hãy mở cửa theo thông lệ quốc tế, như nhiều nước trên thế giới. Hãy mở cửa vì quyền lợi của người dân vì tương lai của đất nước,” ông Trương Gia Bình khẳng định.
Kiến nghị nhanh chóng mở lại thị trường quốc tế
Giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang Bùi Quốc Thái kiến nghị: “Thời gian tới, cần có chỉ đạo thống nhất về nhập cảnh du lịch, Bộ Y tế nên ban hành biểu mẫu khi mở cửa đón khách quốc tế.”
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề xuất mở cửa chính thức, hoàn toàn cho du lịch nội địa và quốc tế. Riêng Hà Nội đề xuất mở cửa từ ngày 1/4 để có thời gian chuẩn bị phục vụ cho kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 cũng như SEA Games.

Tìm về những điểm đến gần gũi thiên nhiên và đi đường gần đang là xu hướng của du khách Việt. Ảnh minh họa: PV
Tìm về những điểm đến gần gũi thiên nhiên và đi đường gần đang là xu hướng của du khách Việt. Ảnh minh họa: PV
“Hà Nội mong muốn 12 địa phương của miền Bắc cũng như trong cả nước cùng thống nhất nội dung đảm bảo an toàn khi du lịch trong mùa dịch để việc đi lại được thông suốt. Đối với du lịch quốc tế, đề nghị bộ, ngành bỏ quy định cách ly với du khách đã tiêm đủ mũi cũng như đã khỏi bệnh trong 6 tháng và đã test âm tính PCR…,” ông Quyền nói.
Lãnh đạo ngành du lịch ở nhiều địa phương trên cả nước đều cho rằng theo Hướng dẫn điều kiện đón khách quốc tế đến Việt Nam phải có chứng nhận PCR âm tính trong 48 giờ là không phù hợp vì nhiều thị trường đến Việt Nam rất xa, thời gian quá cảnh, bay nhiều. Ví dụ như các nước châu Mỹ, Canada… Vì vậy, các đại diện đề nghị tăng thời gian giấy chứng nhận PCR là 72 giờ.
“Đến nay, dù ít hay nhiều, Việt Nam đã có những bước đầu thận trọng trong việc tích lũy những kinh nghiệm quý để đón du khách trở lại ở quy mô lớn hơn,” Bộ trưởng cho biết.
Theo Bộ trưởng, du lịch Việt Nam có những điểm mạnh để cho mở cửa thị trường như: Sự sẵn sàng trở lại của các địa phương, sự quyết liệt và mong chờ của các doanh nghiệp lữ hành, cứ trú và vận tải; Nhà nước đã cho mở cửa bầu trời tại 10 thị trường với 14 chuyến bay/ngày nên việc mở cửa du lịch quốc tế sẽ có nhiều kinh nghiệm và thuận lợi.
Đặc biệt, Việt Nam hiện đứng thứ 6 thế giới về tốc độ tiêm chủng toàn dân (dự báo đến 30/3 sẽ tiêm chủng toàn dân mũi vaccine thứ 3, tạo thế mạnh, cơ hội cho du lịch).
Song, việc mở cửa du lịch quốc tế hiện nay không chỉ có thuận lợi mà còn một số khó khăn cần khắc phục. Bộ trưởng Hùng đánh giá do dịch bệnh nên công tác khảo sát thị trường gặp nhiều khó khăn; công tác phòng chống dịch bệnh chưa nhất quán giữa các địa phương; nhiều doanh nghiệp đã đuối sức sau thời gian dài thực hiện giãn cách, phòng chống dịch; thiếu nhân lực chất lượng cao…
Chính vì thế, Bộ trưởng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ nhanh chóng cho phép mở cửa lại thị trường quốc tế, công bố rộng rãi thời điểm mở cửa cụ thể, giao các bộ ngành triển khai phòng chống dịch bệnh, hướng dẫn, quản lý các vấn đề…
Mai Mai (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm