(GLO)- Nhận thấy điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Kbang, Gia Lai phù hợp trồng và phát triển cây đương quy. Anh Phạm Văn Hậu (thôn 1, xã Sơ Pai, huyện Kbang) đã mạnh dạn trồng thử 100.000 cây đương quy Nhật Bản, đến nay cây thích nghi, sinh trưởng tốt và bắt đầu tạo củ, mở ra một hướng phát triển kinh tế mới đầy triển vọng.
Từ cây giống chỉ bằng đầu đua, sau hơn 2 tháng cây đương quy trồng ở Kbang to gấp chục lần và bắt đầu tạo củ. Ảnh: N.M |
Được một người bạn giới thiệu, ở tỉnh Lâm Đồng đang có mô hình trồng cây đương quy Nhật Bản cho lợi nhuận cao. Và nhận thấy đất đai, khí hậu tỉnh Lâm Đồng khá giống với Kbang. Anh Hậu nhiều lần khăn gói lên tỉnh Lâm Đồng học hỏi kinh nghiệm. “Tôi được một công ty ở trên đấy cung cấp giống, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm. Vì thế, tôi mạnh dạn mua 100.000 cây đương quy Nhật Bản, trồng trên diện tích 1ha cà phê già cỗi. Với giá 1,4 ngàn đồng/cây, tôi chi ra 140 triệu đồng tiền giống”-anh Hậu bộc bạch.
Nói về quy trình trồng, chăm sóc cây đương quy, anh Hậu chia sẻ: Đầu tiên phải xử lý các loại nấm, trứng sâu trong đất. Với diện tích 1 ha dải 3 tấn vôi bột, dùng máy cào đều cho vôi lẫn vào đất. Để khoảng 25-30 ngày sau, dải 25 tấn phân chuồng hoai mục, đảo đều 1 lần nữa. Đồng thời, lên luống, tạo rãnh sau này dễ thoát nước. Sau thời gian trộn phân khoảng 15-20 ngày tiến hành cấy nấm đối kháng. Đợi thêm 10 ngày nữa thì bắt tay vào trồng. Từ khi trồng đến khi cây bén rễ (25-30 ngày) tưới phân vi sinh với hàm lượng đạm thấp, nhằm bổ trợ cây sinh trưởng. Thời điểm cây được 1,5 tháng tiếp tục phun thuốc phòng các loại nấm, bệnh (thuốc được chiết xuất từ các loại thảo dược hoặc chế phẩm sinh học).
“Nên trồng cây vào đầu mùa khô, khi đó mưa rải rác, độ ẩm vừa phải, thời tiết bắt đầu nắng ráo, tốt cho việc xử lý đất cũng như xuống giống. Cây đương quy ưa ẩm, vì vậy tốt nhất là làm hệ thống phun sương tự động, vừa cung cấp nước cho cây vừa tạo độ ẩm bao phủ cho cả vườn. Và không mất công, thời gian kéo dây, giăng ống tưới”-anh Hậu chia sẻ thêm.
Cây đương quy thích nghi với điều kiện thời tiết, đất đai ở Kbang nên sinh trưởng phát triển tốt. Ảnh: N.M |
Nhận thấy cây đương quy trồng tại vùng đất Kbang phát triển tốt, mới đây gia đình anh Hậu tiếp tục trồng thêm 7 sào, nâng tổng diện tích gần 2 ha.
Cây đương quy trồng khoảng 12-15 tháng cho thu hoạch. Mỗi cây cho củ trọng lượng từ 6 lạng đến trên 1kg. Trên thị trường hiện nay các công ty dược đang thu mua với giá từ 20-25 ngàn đồng/kg. Theo anh Hậu, ở vùng Kbang chưa ai trồng và thu hoạch loại cây này, nên chỉ tính mức thấp là 30 tấn/ha và bán giá rẻ nhất 20.000 đồng/kg. "Với giá và đầu tấn thấp như vậy cho thu 600 triệu đồng. Trừ tất cả các loại chi phí, giống, phân, công, lợi nhuận nhận được 300 triệu đồng/ha”-anh Hậu nhẩm tính.
Ông Nguyễn Mạnh Tuyển-Chủ tịch UBND xã Sơ Pai, huyện Kbang cho biết: Đến thời điểm hiện tại cây đương quy trồng trên địa bàn xã, hợp điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng, nên cây sinh trưởng và phát triển khá tốt. Thời gian tới, anh Hậu mang củ đương quy trồng trên đất Kbang đi kiểm tra dược chất. Nếu đạt các mức như mong muốn, giá bán sẽ cao hơn, thị trường tiêu thụ rộng hơn. Đây là mô hình chuyển đổi giống cây trồng mới đầy triển vọng, hứa hẹn mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân.
Ngọc Minh