Món ăn cho người viêm loét dạ dày

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngoài điều trị bằng thuốc, người bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng có thể dùng một số món ăn để hỗ trợ.

Trứng hấp nước củ sen

Nguyên liệu gồm: 1 quả trứng gà, 30 ml nước cốt củ sen, đường phèn. Chế biến như sau: trứng gà đập bỏ vỏ, cho vào tô, khuấy đều, thêm nước cốt củ sen, đường phèn vừa đủ, rồi thêm nước ấm vừa đủ trộn đều. Cho tô nguyên liệu vào nồi hấp cách thủy đến gần chín, mở nắp ra và hấp thêm 5 phút nữa thì hoàn tất. Món này thơm ngon, có tác dụng thanh nhiệt tư âm, bổ tỳ khai vị, sinh tân dưỡng huyết, trị tiêu chảy, thích hợp dùng cho người suy nhược cơ thể để bảo vệ sức khỏe; thích hợp dùng cho người vị nhiệt hư phiền, miệng táo và người loét dạ dày - tá tràng.

 

Thịt bò, rau hẹ... dùng chế biến món phù hợp cho người bị viêm loét dạ dày - tá tràng.

Thịt bò xào xương rồng

Nguyên liệu gồm: 50 gr thịt bò, 20 gr xương rồng, cùng hành, gừng, muối, bột nêm. Chế biến như sau: xương rồng rửa sạch gọt vỏ bỏ gai, cắt lát. Thịt bò rửa sạch cắt lát. Bắc chảo lên bếp cùng ít dầu ăn, phi thơm với hành, gừng, rồi cho thịt bò vào xào sơ, cho tiếp xương rồng vào xào đến chín, nêm nếm gia vị và hoàn tất. Món này có tác dụng bổ tỳ vị, ích khí huyết, mạnh cân cốt, kháng viêm, cầm máu, thích hợp dùng cho người bệnh bị loét dạ dày - tá tràng và người tỳ hư tiêu chảy lâu ngày, cơ thể suy nhược, huyết áp thấp, khí huyết hư suy sau bệnh lở loét đường tiêu hóa. Lưu ý: người có ung nhọt kiêng dùng.

Súp sữa bò với hẹ

Nguyên liệu gồm: 200 gr lá hẹ, 200 gr sữa bò, 25 gr gừng tươi. Cách làm: lá hẹ rửa sạch cắt đoạn, gừng cắt lát, giã nhuyễn cả hai, đem bọc trong miếng vải sạch để vắt nước cốt. Lấy nước cốt này trộn với sữa bò, đem đun với lửa mạnh đến chín. Sữa bò thời gian đun không quá lâu, vừa sôi là được. Món này có công dụng kiện tỳ, ôn trung cầm nôn, ích khí bổ hư, dùng thích hợp cho người sau đợt bị viêm loét lạnh đau trong bụng, khí huyết hư tổn hoặc người tỳ vị hư hàn, cơ thể suy nhược. Người nóng rát trong dạ dày, hoặc người bị nhọt sưng không nên dùng.

Chè đào nhân

Nguyên liệu gồm: 10 gr đào nhân, 10 gr sinh địa, 120 gr gạo tẻ, đường cát. Chế biến như sau: đào nhân sau khi ngâm trong nước ấm lột bỏ vỏ lụa, cùng với sinh địa đã rửa sạch bọc trong túi vải, cho vào trong nồi, đổ nước vừa đủ, sau khi đun sôi bằng lửa mạnh, chuyển lửa nhỏ nấu đến chín. Bỏ đi túi thuốc, thêm gạo đã vo sạch vào nồi nước thuốc ninh cháo, sau khi nhừ nêm đường cát thì hoàn tất. Có tác dụng bổ trung ích khí, kiện tỳ hòa vị, thanh nhiệt sinh tân, hoạt huyết nhuận trường, thích hợp dùng cho người sau khi bị viêm loét dạ dày - tá tràng có huyết ứ. Người tỳ vị hư hàn (lạnh), đang bị viêm loét, có xuất huyết kiêng dùng.

Mai Thương (theo thanhnien)

Có thể bạn quan tâm