Chúng ta phải nỗ lực để nền kinh tế diễn biến theo chiều chữ V nhưng phải là chữ V trọn vẹn. Bởi sau khi ra khỏi đáy suy giảm hình chữ V, doanh nghiệp có còn sức để bung lên theo nhánh còn lại của chữ V mới là quan trọng.
Sản xuất tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Tân Bình (TP.HCM) trong mùa dịch - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG |
Với chữ U, đáy suy giảm rất rộng, có thể vài năm, chữ L là đi xuống không biết khi nào đi lên. Còn chữ W, chúng ta từng trải qua sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008, khi đó kinh tế đi lên rồi lại xuống trong mấy năm, không bền vững nên không ai muốn điều đó lặp lại.
Rất may, các tổ chức uy tín trên thế giới đều nhận định kinh tế Việt Nam sau dịch sẽ diễn biến theo hình chữ V.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam năm 2020 chỉ đạt 4,9% (kế hoạch là 6,8%) nhưng năm 2021 sẽ tăng trở lại 7,5%. Dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), năm 2020 kinh tế Việt Nam chỉ đạt 4,8% nhưng năm 2021 sẽ tăng 6,8%.
Với các nước trong khu vực, ADB hay WB dự báo trong năm 2020 không lạc quan, như Thái Lan tăng trưởng âm, hoặc tăng thấp như Indonesia 2,1%, Philippines 3%...
Cần nhắc lại những năm qua đời sống người dân đủ đầy hơn là nhờ Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng kinh tế 6,7 - 6,85%/năm.
Đằng sau con số tăng trưởng chỉ 4,9% hay 7,5% là doanh nghiệp phá sản, công nhân thất nghiệp nhưng cũng có thể là nhiều việc làm mới được tạo ra, là đời sống no đủ, khấm khá. Phấn đấu để kinh tế tăng thêm 0,1% thôi sẽ làm thay đổi cuộc sống của người dân.
Vì vậy, chúng ta phải nỗ lực để nền kinh tế diễn biến theo chiều chữ V nhưng phải là chữ V trọn vẹn.
Bởi sau khi ra khỏi đáy suy giảm hình chữ V, doanh nghiệp có còn sức để bung lên theo nhánh còn lại của chữ V mới là quan trọng. Nếu doanh nghiệp hụt hơi, nền kinh tế không có sức bật như lò xo, khi đó chỉ là chữ V có nét yếu.
Thành hay bại ở chỗ chúng ta triển khai tốt các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp trụ lại trong mùa dịch như cho vay lãi suất bằng 0 để trả lương giữ người lao động, đặc biệt là giãn nợ vay ngân hàng, giãn nợ thuế và giảm mạnh lãi suất cho vay..., sau đó là các khoản cho vay kịp thời có lãi suất thấp để doanh nghiệp mua nguyên vật liệu, đầu tư thêm máy móc bung ra...
Sòng phẳng ra, cũng cần thiết lập sự hỗ trợ liên hoàn để mọi ngành, đơn vị yên tâm cùng hỗ trợ nhau.
Như muốn ngân hàng mạnh tay giãn nợ, giảm lãi suất cho doanh nghiệp, cũng phải được hỗ trợ từ Nhà nước thông qua Ngân hàng Nhà nước và ngành thuế. Khi doanh nghiệp làm ăn tốt sẽ đóng thuế trở lại cho Nhà nước...
Nếu thiếu hỗ trợ liên hoàn, hoặc đứt đoạn, sẽ có doanh nghiệp không nhận được hỗ trợ, khó có được chữ V với nét bung mạnh.
Để kiểm chứng hiệu quả triển khai từ các gói hỗ trợ này, Chính phủ và các địa phương cần mở thêm kênh để kịp thời nhận phản hồi từ doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề về các trở ngại, vướng mắc khi triển khai.
Cần lập tổ công tác ở địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ. Đừng chạy theo những con số trăm ngàn tỉ này, chục ngàn tỉ nọ của gói hỗ trợ mà phải xem còn bao nhiêu doanh nghiệp chưa nhận được hỗ trợ.
Hiệu quả của gói hỗ trợ không phải là con số được công bố trong những ngày tới, tháng tới mà là có bao nhiêu doanh nghiệp đủ lực để bung ra, và cuộc sống người dân phải được nâng lên mức cao hơn trước khi có dịch.
Theo TRẦN HOÀNG NGÂN
VIỆN TRƯỞNG VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN TP.HCM
(Dẫn nguồn TTO)