(GLO)- Biển Hồ (Tonle Sap) thuộc tỉnh Siem Reap, Vương quốc Campuchia là nơi cư ngụ của rất đông người Việt Nam. Đa phần các gia đình người Việt tại đây không quốc tịch, không hộ khẩu, không có đất đai sản xuất nên họ buộc phải sống lênh đênh trên những chiếc thuyền hoặc nhà bè và đánh bắt thủy sản để mưu sinh…
Lắt lay mưu sinh
Theo lời của hướng dẫn viên người Campuchia, trên Biển Hồ hiện có khoảng 1.500 hộ dân gốc Việt sinh sống. Hầu hết bà con có nguyên quán thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Đời ông, cha theo sông Cửu Long ngược lên Biển Hồ đánh cá mưu sinh rồi sinh con, đẻ cái. Cuộc sống của người dân nơi đây rất khó khăn, mọi sinh hoạt hàng ngày cũng như mưu sinh đều nhờ nguồn thủy sản đang ngày một cạn kiệt của Biển Hồ và nhờ tấm lòng hảo tâm của du khách mỗi khi ghé thăm.
Những căn nhà bè ọp ẹp của người Việt trên Biển Hồ. Ảnh: Bích Nga |
Người Việt ở đây có quê cha, đất tổ đàng hoàng nhưng không ai có quốc tịch, kể cả quốc tịch Campuchia nên thua thiệt đủ điều. Trẻ em không có giấy khai sinh, muốn lên bờ đi học cũng không được. Người lớn không có giấy tùy thân, làm ăn buôn bán, tìm việc làm rất khó lại không có đất đai sản xuất nên họ đánh bắt cá sống qua ngày. Ở đây, họ chỉ có thể tự do đánh bắt vào mùa cá không sinh sản; còn mùa này cá sinh sản nên đi chài lưới chính quyền sẽ bắt giữ người, thu lưới và phạt tiền rất cao.
Trẻ em ở đây chịu quá nhiều thiệt thòi. Không ít em chỉ mới vài tháng tuổi đã phải theo cha mẹ lênh đênh trên những chiếc ghe dọc ngang Biển Hồ, bất chấp mưa nắng bám thuyền du khách để… ăn xin. Trên những con thuyền ấy có khi là cả một gia đình, mẹ chèo lái, các con lớn cố bám lấy mạn thuyền chèo kéo, năn nỉ xin bằng tiếng Việt và tiếng Anh bồi; các con nhỏ hơn thì ngồi chỏng chơ giữa lòng thuyền chìa tay về phía du khách. Những con thuyền bé nhỏ giữa mặt nước mênh mông bị sóng dạt xô bấp bênh, chìm nổi; những thân thể đen đúa mỏng manh không áo quần; những khuôn mặt trẻ thơ nhếch nhác; những ánh mắt vô vọng của những người phụ nữ Việt kiều bao vây mọi du thuyền và làm động lòng du khách khi đến đây.
Bữa ăn của trẻ em nghèo ở Trường Việt Nam trên Biển Hồ. Ảnh: Bích Nga |
Ở đây không có điện lưới quốc gia, người dân chả mấy ai dám mua máy phát điện để dùng vì giá xăng dầu ở Campuchia đắt đỏ. Không có nước sạch, chất thải của hàng trăm con người hàng ngày xả thẳng xuống Biển Hồ. Bà con sử dụng nguồn nước ấy để ăn uống, sinh hoạt nên bệnh tật luôn chực chờ. Không có trạm y tế nên khi có người đau ốm phải chuyển vào bờ và chi phí y tế cũng rất cao. Không có phương tiện giải trí, thiếu trường học, nhưng nhà nào cũng sinh rất nhiều con. Trên những con thuyền mỏng manh, trong những căn nhà bè ọp ẹp, bao nhiêu thế hệ đã được sinh ra lớn lên để làm ngư dân du lịch, cứ luẩn quẩn cái vòng đói nghèo bế tắc. Họ cũng không trở về quê cha đất tổ vì đã lâu lắm rồi, chẳng biết về đâu…
Nhặt nhạnh con chữ
Chiều muộn, cùng với nhiều du khách, chúng tôi ghé thăm Trường Tiểu học Việt Nam giữa Biển Hồ. Tiếp đón chúng tôi là thầy giáo Nguyễn Minh Luân (quê ở Tây Ninh) và những người phục vụ bếp ăn tình thương của trường. Trường học là một sà lan nổi, có mái tôn che nắng mưa, có diện tích chung để các cháu sinh hoạt. Trường còn có một bảng thông báo khá đặc biệt với nội dung “Tất cả các gia đình Việt Nam hiện đang sinh sống tại Biển Hồ-Vương Quốc Campuchia, các gia đình có con em từ 6 tuổi trở lên hãy đưa đến trường sẽ được Ban lãnh đạo nhà trường nhận nuôi dạy, các em được ăn ở tại trường miễn phí, giúp cho các em học hành để trở thành người tốt, giúp ích cho xã hội sau này, đừng để các em đi ăn xin trôi dạt bên ngoài”.
Trường Việt Nam dạy trẻ em nghèo trên Biển Hồ. Ảnh: Bích Nga |
Mặc dù đang kỳ nghỉ hè nhưng trường học này vẫn mở vì các em không biết vui chơi ở đâu giữa mênh mông nước nên đành quanh quẩn ở trường chờ… du khách ghé thăm. Chúng tôi nghẹn ngào khi thấy khoảng chừng 30 cháu 7 đến 10 tuổi, nhỏ thó đen đúa, tóc tai bù xù khét nắng, chủ yếu mặc quần đùi, áo cộc, chân đất ngồi bệt trên sàn lớp học, một số ít cháu thì đứng ôm trống nghi thức chờ đón từng đoàn du khách.
Thầy Luân cho biết, trường học tình thương này do thầy Trần Văn Tư (quê Tây Ninh) sáng lập hơn 30 năm trước. Thầy Tư cũng là Hiệu trưởng và kiêm luôn thầy giáo dạy lớp 1, các lớp còn lại do thầy Luân đảm nhận. Ban đầu, trường có 31 học sinh; hiện nay trường đang nuôi miễn phí 314 cháu, dạy từ lớp 1 đến lớp 5 và chăm sóc 50 người già mất sức. Công việc dạy học gặp nhiều khó khăn nhưng các thầy giáo ở đây không có một khoản trợ cấp, thu nhập gì từ việc dạy học. Nhiều lúc các thầy còn phải chia sẻ cơm, áo cho lũ trẻ, lo cho các em từ cuốn sách giáo khoa đến cả vở, bút viết… Cơ ngơi khang trang hiện nay của trường là do cán bộ chiến sĩ Quân khu 7 (Việt Nam) tặng hồi năm ngoái.
Ảnh: Bích Nga |
Vì trường chỉ có 2 phòng học nên phải chia thành nhiều ca để duy trì đủ 5 lớp. Trong từng lớp, độ tuổi học sinh cũng không đồng đều. Phần lớn các em đều là con các gia đình đông con nên có em đã 14, 15 tuổi mới chỉ được học lớp 1, lớp 2.
Cha mẹ các em đa phần là những người lao động nghèo, biết nói tiếng Việt nhưng không biết chữ Việt cũng như chữ Campuchia nên gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Vì thế, họ rất phấn khởi vì con em họ được đi học, nhớ lại nguồn gốc của cha ông mình.
Thầy-cô giáo của trường cũng đều từ Việt Nam tình nguyện sang, lương trông chờ vào sự hảo tâm của mọi người. Có thầy mang cả vợ con sang sống chung, đồng cam cộng khổ với các cháu nghèo trên miền đất xa lạ. Thầy Luân tâm sự: “Biết rằng sang đây là đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn tình nguyện vì tình đồng hương, vì một thế hệ trẻ Việt Nam nơi đất khách”.
*
* *
Tạm biệt Biển Hồ và làng nghèo của người Việt trong tâm trạng xốn xang. Hoàng hôn chợt nhòa đi trong rưng rưng xúc động. Tôi không muốn nhìn ngắm hoàng hôn trong giây phút này mà chỉ mong sao trời Biển Hồ sẽ nhanh chóng sáng lên, để những ánh mắt nụ cười người Việt nơi đây được ánh lên dù một chút ánh sáng tương lai…
Bích Nga