Thời sự - Bình luận

Một chậm trễ, nhiều hệ quả

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Sự chậm trễ của nhiều chính sách thuế không chỉ khiến các đối tượng được thụ hưởng thiệt thòi mà còn kéo theo nhiều hệ lụy liên quan.

Ví dụ như chậm điều chỉnh ngưỡng thuế thu nhập cá nhân vốn đã quá lỗi thời cho người làm công ăn lương không chỉ khiến thu nhập của họ bị teo tóp, đời sống khó khăn mà còn ảnh hưởng đến sức tiêu thụ trong nền kinh tế. Cứ hình dung thế này, chi tiêu chưa đủ còn phải lo đóng thuế, người tiêu dùng sẽ thắt lưng buộc bụng, cắt giảm chi tiêu, dẫn đến hàng hóa ế ẩm kéo theo sản xuất đình đốn, doanh nghiệp (DN) không hoạt động hết công suất, nói gì đến chuyện tăng trưởng.

Tương tự với thuế đánh trên xăng. Cũng vì giảm nhỏ giọt, chậm trễ nên không tạo được hiệu ứng mạnh, kéo mặt bằng giá cả hàng hóa, cước vận chuyển trên thị trường giảm theo. Việc này khiến Chính phủ và các bộ, ngành đang đau đầu truy tìm, rà soát những ngành hàng, dịch vụ cố tình neo giá bất hợp lý. Việc này vừa tốn thời gian, vừa không hiệu quả. Trong khi các đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm thuế VAT và thuế bảo vệ môi trường cho xăng nếu được thực hiện sớm thì làm gì có cơ hội cho giá hàng hóa liên tục bị đẩy lên cao trong suốt mấy tháng qua.

Không chỉ thế, việc chính sách tài khóa chậm trễ cũng đang đẩy chính sách tiền tệ vào thế phải nhìn trước ngó sau. Thông thường hết tháng 6, room tín dụng cho các ngân hàng sẽ được phân bổ. Thế nhưng năm nay, đã bước sang tháng 8 Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có động thái gì ngoài việc kiểm soát chặt chẽ đầu ra vì lo sợ lạm phát. Mà nguyên nhân của lạm phát đã được phân tích khá kỹ, là do chi phí đẩy chứ không phải do cung tiền. Nên nhớ, room tín dụng của cả năm nay, năm phục hồi kinh tế chỉ 14% so với mức hơn 13% của năm 2021, năm đóng cửa chống dịch hầu hết thời gian. Nhiều chuyên gia cho rằng, tín dụng chỉ được nới lỏng nếu giảm thuế với xăng dầu, từ đó giúp CPI được kiểm soát chắc hơn.

Nhìn lại gần 3 năm chống dịch, khá nhiều chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm chia sẻ với người dân, DN nhưng trong quá trình thực thi cũng bị chậm trễ vì nhiều lý do. Ví dụ với các sắc thuế đánh trên xăng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã hơn một lần thúc giục các bộ, ngành có liên quan trình lên. Bởi thẩm quyền thuộc Quốc hội nhưng nếu ở dưới không trình lên thì Quốc hội cũng không thể có ý kiến.

Hay việc giải ngân vốn hỗ trợ lãi suất 0% trả lương người lao động năm 2021 bị tắc vì thủ tục, trong đó không ít những quy định vô lý, không thể thực hiện được. Ở thời điểm hiện tại, việc giải ngân tiền hỗ trợ cho người lao động thuê nhà cũng rất thấp. Dự kiến sẽ có 3,4 triệu lao động được hưởng với số tiền giải ngân lên đến 6.600 tỉ đồng, song đến nay, tiền hỗ trợ mới đến tay hơn 200.000 người lao động. Mới nhất, Thủ tướng Phạm Minh Chính phải hối thúc các địa phương khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện ngay việc này...

Việc chậm trễ hay cố tình chậm trễ không chỉ khiến hiệu quả của chính sách bị giảm sút mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của người dân và DN về sự chia sẻ, đồng hành của nhà nước. Nó cũng cho thấy, năng lực và trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong việc đề xuất, kiến nghị, xây dựng và thực hiện chính sách.

Nên thay vì hối thúc, đã đến lúc phải truy trách nhiệm xem cá nhân nào, đơn vị nào chậm trễ hay cố tình chậm trễ để có chế tài cụ thể. Chỉ có thế mới hết tình trạng trên rải thảm, dưới rải đinh từ chủ trương cho tới thực hiện.

Theo Niên An (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm