Phóng sự - Ký sự

Một cuộc đời bình thường là hạnh phúc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mẹ tôi bảo: "Giờ ra đường gặp lại ai cũng mừng. Thấy người đó còn khỏe mạnh là vui lắm rồi". Gần hai tháng sau khi TP Hồ Chí Minh hồi phục, dư chấn đại dịch vẫn in hằn. Song, nếu thành phố có phần nào "chậm" lại, thì cuộc đời lại có phần sâu sắc và gắn kết hơn.

Thành phố đã tỉnh lại, sau một cơn mê dài.
Những thói quen mới được hình thành, đầu tiên là "5K". Chúng ta "check-in" mọi lúc mọi nơi với "tấm thẻ xanh quyền lực". Câu hỏi "Dạo này khỏe không?" tự nhiên đặc biệt hơn bao giờ hết, và ta thở phào nhẹ nhõm khi biết được gia đình người thân quen nào đó vẫn bình an. Những tiếng rao, tiếng còi xe, cái nắng gắt gỏng ở ngã tư đường trong 60 giây đồng hồ chờ đèn đỏ cũng không còn làm chúng ta khó chịu.
Những hộ kinh doanh nhỏ lẻ bán sớm hơn, và cũng thu dọn hàng quán sớm hơn. Thành phố không ngủ giờ đã "có giờ có giấc". Sự bình yên tràn ngập khắp nơi, khác với sự ảm đạm đã từng. Bạn có thể cảm nhận thành phố tĩnh lặng dịu dàng đến thế nào, mà không cần phải đợi đến những đêm Giao thừa hay sáng mồng một Tết.
Bác giữ xe ở Lucky Plaza hỏi tôi "Khỏe hông?". Dì Hai bán vé số đối diện chợ Bến Thành cười vui vẻ, kể chuyện mấy bữa đi bán được người ta cho thêm rất nhiều thứ, nào là mì gói, hoặc là "boa luôn, khỏi thối tiền". Đó không chỉ là sự trao đi vật chất thuần túy. Đó còn là tình yêu thương giữa người với người. Là hào sảng ngày nào tái sinh.
Khi cuộc sống bắt chúng ta phải học bài học về sự vô thường, chúng ta bắt đầu trân quý hơn những điều giản dị đến đương nhiên.
Tôi thấy nhiều người đăng ảnh bình minh và hoàng hôn trên mạng xã hội suốt nhiều ngày tháng qua. Mọi thứ vẫn ở đó thôi, nhưng có lẽ mọi người đã cảm nhận cuộc sống nhiều hơn, rung cảm với những vẻ đẹp rất đời thường, và gieo trong đó một niềm hy vọng.
Tôi cũng dần quen với những kế hoạch "eo hẹp" về kinh phí hơn, chậm nhưng mà chắc về kết quả hơn. Những công ty trở về "full lương" sau hơn mấy tháng ròng cắt giảm chi phí. Nhưng tôi tin rằng ai cũng đã học được bài học chi tiêu hợp lý, và có hơn một nguồn thu nhập để có thể chăm lo cho bản thân và gia đình mình tốt nhất khi trắc trở.
Mùi cồn dần đi vào đời sống, từng ngõ ngách, một thứ mùi không mang tính đe dọa, mà là sự bảo vệ.
Bạn tôi-một tình nguyện viên chống dịch-ôm mọi người và nói rằng bạn đã có những tháng ngày cực kỳ ý nghĩa. Tôi thấy mắt bạn long lanh khi kể về những khoảnh khắc sinh tử, bạn đã trở lại là một người cực kỳ khác.
Và tôi chợt liên tưởng tới Haruki Murakami: "Khi cơn bão qua đi, bạn sẽ không nhớ bạn đã vượt qua như thế nào, bạn xoay sở để tồn tại được ra sao. Bạn thậm chí sẽ không dám chắc, thật ra, liệu cơn bão có thật sự đi qua. Nhưng có một điều chắc chắn. Là khi bạn ra khỏi cơn bão, bạn sẽ không còn là cùng một người mà trước đó đã bước vào".
Theo Nhật Thi (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm