Thời sự - Bình luận

Một mũi tên trúng nhiều đích

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Dù còn chờ được chấp thuận nhưng kiến nghị của Bộ GTVT mở đường bay quốc tế thường lệ từ ngày 15.12 mang lại luồng sinh khí lớn cho rất nhiều người, nhiều ngành.

Kiến nghị này nếu được phê duyệt sẽ tháo gỡ rất nhiều khúc mắc trong mở cửa kinh tế hiện nay.

Đầu tiên là hàng không. Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) hàng không VN (VABA) tiết lộ dịch bệnh Covid-19 khiến ngành hàng không phải dừng bay, gây thiệt hại trên 500 tỉ đồng/ngày.

Tính đến giữa năm 2021, chỉ tính 3 hãng lớn, khoản nợ ngắn hạn và nợ phải trả lên tới 36.000 tỉ đồng. Nhưng thua lỗ chưa phải là vấn đề bi đát nhất, cạn tiền mới là mối nguy có thể dẫn đến việc phá sản bất kỳ hãng nào. Thế nên mở bay quốc tế thường lệ sẽ là giải pháp cứu nguy cho các hãng hàng không trước khi không thể gắng gượng hơn nữa.

Tiếp theo là du lịch. Sở dĩ chúng ta mở cửa nhưng các DN kinh doanh lưu trú, dịch vụ, thương mại vẫn khó khăn là vì không có khách. Bay nội địa còn hạn chế, bay quốc tế đóng cửa thì lấy đâu ra khách mà phục vụ. Giờ tháo nút thắt này, khách quốc tế sẽ tới, Việt kiều sẽ về...; các DN lữ hành, hệ thống khách sạn nghỉ dưỡng mới có thể hoạt động thật sự.

Một vấn đề hết sức quan trọng là mở lại đường bay quốc tế sẽ giúp con đường hồi hương của hàng ngàn, hàng vạn kiều bào dễ dàng hơn, chi phí hợp lý hơn. Hiện các chuyến bay quốc tế chỉ có 4 hình thức: giải cứu công dân; chở chuyên gia; thuê chuyến kèm cách ly; và bay thí điểm đón khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, cả 4 hình thức này khách đều phải trả chi phí cao và phải xin phép bay từng chuyến.

Thế nên nhiều công ty du lịch tổ chức cho khách bay trên các tuyến của hãng nước ngoài về Campuchia rồi về VN thông qua cửa khẩu đường bộ Tây Ninh. Điều này không chỉ gây rủi ro mà còn có nguy cơ mất thị trường hàng không quốc tế nếu chúng ta không nhanh chóng mở bay quốc tế trở lại.

Dẫn ra một số chuyện để thấy việc mở cửa hàng không là yêu cầu hết sức bức thiết, không nên và không thể chậm trễ hơn. Chúng ta chậm trễ một ngày, DN kiệt sức hơn một tí, nền kinh tế phải trả giá nhiều hơn một tí, đường hồi hương của bà con Việt kiều nhọc nhằn hơn một tí. Khi đó có giải cứu, hỗ trợ với nhiều trường hợp cũng quá muộn, hoặc chi phí tài chính để hỗ trợ, phục hồi sẽ rất tốn kém.

Giao thông là huyết mạch của nền kinh tế, mở cửa kinh tế là phải mở cửa giao thông. Thậm chí giao thông phải thông suốt trước khi mở cửa kinh tế thì mới hiệu quả. Chúng ta đã có bài học về đứt gãy lưu thông hàng hóa dẫn đến tình trạng nông sản chất đầy ruộng, đầy kho nhưng nhiều nơi người dân không có mà ăn trong giai đoạn giãn cách xã hội chống dịch hồi giữa năm. Đến thời điểm hiện tại, chúng ta đã đi từ mở cửa kinh tế đến hồi phục kinh tế thì những ách tắc về giao thông từ hàng không, đường bộ, đường thủy phải được tháo gỡ để tạo sự đồng bộ từ chủ trương, chính sách cho tới áp dụng thực thi.

Hy vọng rằng việc mở đường bay quốc tế sẽ sớm được phê duyệt để tạo thêm động lực phục hồi nền kinh tế.

Theo Nguyên Hằng (TNO)

Có thể bạn quan tâm