Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

Mưa bão sắp dồn dập, an toàn hồ chứa tại Việt Nam ra sao?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Hồ chứa thuỷ điện tại Việt Nam đa số đều được các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện đã thực hiện đúng công tác vận hành xả lũ, vận hành phát điện bảo đảm an toàn cho vùng hạ du. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp xả lũ khẩn cấp gây thiệt hại nghiêm trọng.

 Nếu xả lũ không đúng quy trình sẽ
Nếu xả lũ không đúng quy trình sẽ "đe doạ" vùng hạ du. Ảnh minh hoạ: Thảo Anh.


Theo dự báo mới nhất về xu thế thời tiết từ nay đến cuối năm của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, lũ quét, sạt lở đất có nguy cơ cao xảy ra dồn dập tại khu vực vùng núi, đặc biệt khu vực Tây Bắc từ nay đến cuối năm.

Thực tế, mới đây tại tỉnh Hà Giang đã xảy ra mưa lớn, gây lũ ống, sạt lở đất, ngập lụt nghiêm trọng, thiệt hại nặng nề về người, nhà cửa của nhân dân, công trình hạ tầng, ảnh hưởng đến sản xuất.

Vậy tại Việt Nam, trước tình hình mùa mưa bão sắp đến, an toàn hồ chứa như thế nào?

Ông Phạm Trọng Thực-Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương) đã có những phân tích về vấn đề này.

Theo đó, thực trạng hồ chứa thủy điện, trong mùa lũ, các hồ chứa thủy điện, trừ hồ chứa có dung tích nhỏ đều vận hành theo nguyên tắc chung khi dự báo có lũ, phải vận hành đưa mực nước hồ về mực nước đón lũ. Các hồ chứa Hòa Bình tỉnh Hòa Bình, Sơn La tỉnh Sơn La... hầu như đã cắt toàn bộ đỉnh lũ hoặc phần lớn đỉnh lũ trong các trận lũ.

Tính đến tháng 6 năm 2020 khu vực miền núi phía Bắc có 225 hồ chứa thủy điện đã có quy trình vận hành đơn hồ chứa, trong đó có 145 hồ chứa thủy điện nhỏ.

Cục Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đánh giá việc thực hiện các quy định của pháp luật về thủy điện đã có chuyển biến tích cực và rõ rệt, điển hình là năm 2017, 2018, 2019 tại khu vực Bắc Bộ đã xảy ra nhiều trận lũ lớn bất thường nhưng do thực hiện tốt các quy định về quản lý an toàn đập và vận hành hồ chứa nên các đập, hồ chứa thủy điện vận hành an toàn góp phần tích cực vào việc cắt/giảm/làm chậm lũ, bảo đảm an toàn cho vùng hạ du.

Từ đầu năm 2020 đến này, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp đã phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh kiểm tra được 7 công trình thủy điện, kết quả cho thấy các đập, hồ chứa không có hiện tượng bất thường, vận hành an toàn. Qua báo cáo của Sở Công Thương cho thấy các đập hồ chứa nhỏ vận hành hành ổn định, an toàn.

Tuy nhiên, nhận định về những khó khăn và tồn tại ở một số nhà máy thủy điện nhỏ khu vực miền núi phía Bắc, ông Phạm Trọng Thực cho hay: "Các nhà máy thủy điện nhỏ gần như không có cán bộ chuyên ngành về thủy điện, thủy lợi, xây dựng để phục vụ cho công tác vận hành, kiểm tra các hạng mục công trình. Công tác báo cáo số liệu thủy văn vận hành hồ chứa của một số nhà máy thủy điện nhỏ chưa được cập nhật lên trang wen hothuydien.atmt.gov.vn của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp".

Đánh giá chung về việc vận hành hồ chứa thủy điện, các chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện đã thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm của chủ sở hữu trong công tác vận hành xả lũ, vận hành phát điện bảo đảm an toàn cho vùng hạ du.

"Tuy nhiên, trong mùa lũ 2019 vẫn còn chủ sở hữu đập, hồ chứa thủy điện Sử Pán 1 tỉnh Lào Cai vận hành xả lũ gây thiệt hại cho người dân vùng hạ du. Nguyên nhân chủ yếu do xuất hiện lũ đặc biệt lớn làm mực nước hồ chứa dâng nhanh, có nguy cơ gây mất an toàn đập, việc vận hành xả lũ khẩn cấp hồ chứa thủy điện Sử Pán 1 chưa thông báo, cảnh báo cho các cơ quan chức năng và nhân dân vùng hạ du theo quy định" - ông Thực cho biết thêm.

 

https://laodong.vn/moi-truong/mua-bao-sap-don-dap-an-toan-ho-chua-tai-viet-nam-ra-sao-821743.ldo

Theo Thảo Anh (LĐO)

Có thể bạn quan tâm