Ăn Tết thời bao cấp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tết bây giờ, phần nhiều người ta nghĩ đến chuyện chơi hơn là ăn vì ngày nào cũng thịt cá, bánh trái, liên hoan nhậu nhẹt có khác gì Tết đâu. Nhưng ngày trước thì khác, cái thời bao cấp ấy, thiếu đói quanh năm, Tết là dịp được ăn cơm không phải độn, ăn no. Có thịt cá, bánh mứt ít nhất là trong 3 ngày, sướng lắm, cả người lớn và trẻ con đều thích!
Tôi lớn lên trong thời bao cấp nên nhớ rất rõ. Nhiều chuyện kể ra lớp trẻ có khi không tin, nhưng đó là sự thật.
Thì chuyện ăn Tết nhé.
  Quầy bán tranh, hoa Tết thời bao cấp. Ảnh: K.N.B
Quầy bán tranh, hoa Tết thời bao cấp. Ảnh: internet
Thời bao cấp, thực phẩm được cấp phát theo chế độ tem phiếu nhưng chẳng bõ bèn. Ở nông thôn, tự cung tự cấp là chủ yếu. Dân phố thị vẫn tỵ, cho rằng dân nông thôn “có điều kiện” hơn ở khoản này. Để có miếng thịt heo ăn vào dịp Tết, mẹ tôi đã chuẩn bị từ trước đó cả nửa năm hay lâu hơn nữa. Trong lứa heo xuất chuồng, mẹ dành lại chú heo đẹt (vì bán cũng chẳng được mấy); chú heo này được bú sữa dồn, thức ăn thừa, phụ phẩm nông nghiệp rồi sẽ lớn, dành ăn Tết. Nhưng gia đình ăn Tết mà làm hẳn một con heo thì xóm giềng biết được sẽ nhỏ to, điều vào tiếng ra rằng nhà ấy giàu có nên mới dám hoang phí. Vì thế, gần Tết, cha tôi nhờ một người chú họ xa cùng nhau bắt trói, giết thịt heo thật nhanh, hạn chế tối đa tiếng heo kêu. Ông còn sai anh em tôi ra ngoài ngõ đứng canh, ai đến nhà thì bảo cha mẹ đi vắng cả, có việc gì xin nói ra, về thưa lại. Đến khổ. Cỗ thịt heo Tất niên như thế là rất to, được ăn thỏa thích.
Mà chăn nuôi hồi đó cũng rất tự nhiên, chẳng vắc xin phòng ngừa, tiêm thuốc chữa bệnh. Nuôi được gia súc, gia cầm tất cả trông nhờ vào “ông chuồng, bà chuồng” phù hộ. Heo gà chóng lớn, đàn phát triển chẳng dám mở lời khen, “miệng mắm miệng muối”, nhỡ… Tôi nhớ một năm, chú heo dành ăn Tết của gia đình chẳng may bị bệnh chết, gà vịt cũng toi. Người chị gái kề tôi nghỉ học sớm đi làm ở tổ hợp đan mây, được chia phần đâu chừng 2 kg thịt heo, cả nhà mừng lắm, đúng như câu “Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà”!
Thời bao cấp, lương thực thì do hợp tác xã nông nghiệp phân phối dựa theo công điểm hộ gia đình làm được, sau mùa thu hoạch. Dịp Tết, cứ theo nhân khẩu, hợp tác xã lại phân phối gạo nếp, đậu, đường… mỗi thứ một ít cũng chỉ gọi là có, để làm bánh mứt. Nhà tôi có hàng dừa độ 20 cây, đến tháng Chạp, những quả dừa khô được hái xuống, bóc tách vỏ, chất đống. Phiên chợ huyện cuối năm, cùng với dăm con gà vịt, buồng chuối già, mẹ tôi gánh dừa ra chợ bán lấy tiền sắm sanh thêm.
Trong số những món ăn ngày Tết hồi đó, đúng hơn là thức chấm, cũng phải nhắc đến món nước ruốc. Nó là phụ phẩm trong quá trình làm ra mắm ruốc, thức mặn nhà nhà đều có dành ăn dần trong năm. Bánh tráng, món khoái khẩu người dân Bình Định có tí nhân thịt mỡ, rau sống… chấm nước ruốc dằm ớt, nhai nhai nuốt nuốt cay hít hà ngon phải biết! Tôi tin, ai đã từng ăn hẳn sẽ nhớ, bởi hương vị dậy lên từ ký ức.
Ngày Tết, ngoài món tiền mừng tuổi của cha mẹ, trẻ con rất ít được lì xì. Đến chơi nhà, được người lớn nhón tay cho miếng mứt, cái bánh đã mừng rơn, khoanh tay lễ phép cảm ơn rồi tìm chỗ khác mà chơi.
Có dạo, hưởng ứng cuộc vận động xây dựng đời sống mới, Tết được rút xuống chỉ còn 2 ngày, đến mùng 3 Tết đã ra đồng. Thì cũng chỉ là hình thức thôi, chẳng ai mặn mà, vẫn phải làm theo, nhất loạt. Cánh đồng làng đang kỳ trải lá hẹ, lô nhô lốp nhốp phụ nữ khom lưng dùng tay cào cỏ, dặm lúa. Cũng chỉ là “diễn” thôi nên nắng chưa đủ nóng lưng họ đã rủ nhau lên bờ, bánh mứt mang theo mời nhau, còn có nghĩa khoe sự khéo tay của mình.
Gần đến Tết tự dưng ngồi nhớ, lại thấy rưng rưng!
Nguyễn Đình Phê

Có thể bạn quan tâm