Thời sự - Bình luận

Mùa hè ý nghĩa cho trẻ em

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thời điểm này, tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, học sinh đã kết thúc năm học 2021-2022 để bước vào kỳ nghỉ hè với nhiều háo hức, nhất là sau những ngày tháng cuộc sống bị xáo trộn bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, không ít trẻ em có nguy cơ phải đối mặt với "học kỳ thứ 3" không kém phần áp lực. Chính vì vậy rất cần sự thấu hiểu, quan tâm, phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội nhằm tạo điều kiện cho các em có được một mùa hè bổ ích, ý nghĩa.

 Trẻ em tham gia trò chơi vận động ngoài trời tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. (Ảnh MỸ HÀ)
Trẻ em tham gia trò chơi vận động ngoài trời tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. (Ảnh MỸ HÀ)


Tại Nghị định số 84/2020/NÐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục, ban hành ngày 17/7/2020 thời gian nghỉ hè hằng năm của giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường chuyên biệt là tám tuần, bao gồm cả nghỉ phép hằng năm (Ðiều 3). Thời gian nghỉ này rất quan trọng vì giúp cho thầy và trò tái tạo năng lượng, chuẩn bị tâm thế thật tốt trước khi bắt đầu năm học mới. Thế nhưng, thực tế khi các trường vẫn chưa tổ chức thi học kỳ II xong, thì nhiều phụ huynh đã tất bật tìm kiếm trung tâm dạy thêm, luyện thi để gửi con em vào học hè. Bên cạnh lý do áp lực của chương trình học nặng nề, phải chủ động học trước khi vào năm học mới, nhiều phụ huynh còn cho rằng, họ không có thời gian ở nhà chăm sóc trẻ, nên phải cho con em đi học thêm để vừa bổ sung kiến thức, vừa không phải trông nom trẻ.

Thậm chí có phụ huynh đăng ký học thêm kín các ngày trong tuần để bảo đảm kiểm soát con mọi lúc, mọi nơi. Vô hình trung, mùa hè đã bị biến thành "học kỳ thứ 3" của trẻ em với nhiều áp lực. Từ đây khiến một số em lâm vào trạng thái mệt mỏi, chán nản, học hành đối phó, kém hiệu quả. Ðiều này không chỉ gây ra sự lãng phí về thời gian, tiền bạc của cha mẹ mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tâm sinh lý của trẻ. Theo các chuyên gia tâm lý, áp lực học hành kéo dài sẽ khiến trẻ em dễ rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý, căng thẳng quá khả năng chịu đựng, dẫn đến những hành vi tiêu cực, khó kiểm soát. Các vụ học sinh tự tử gia tăng trong thời gian qua là hồi chuông cảnh báo khẩn cấp đến các bậc làm cha mẹ về vấn đề này. Do đó bên cạnh việc học văn hóa, trẻ rất cần được vui chơi, giải trí, và trải nghiệm cuộc sống.

Một khó khăn mà không ít phụ huynh hay than phiền, đó là nếu không cho trẻ đi học thêm trong hè, con mình sẽ suốt ngày ôm điện thoại hoặc máy tính, chơi game. Giữa việc trẻ có thể bị nghiện game, nghiện điện thoại trong kỳ nghỉ hè và cho trẻ học thêm để "học được bao nhiêu tốt bấy nhiêu", dĩ nhiên phụ huynh chọn phương án thứ hai. Không ít người quên rằng, còn rất nhiều phương án khác có thể giúp trẻ trải nghiệm một mùa hè ý nghĩa. Thay vì đẩy trẻ vào các trung tâm học thêm hoặc quẩn quanh ở nhà "cày" game, phụ huynh cần cho trẻ tham gia các hoạt động mang tính trải nghiệm thực tế.

Hiện nay, một số trường học đã chủ động phối hợp nhà thiếu nhi, nhà văn hóa thanh niên, các cơ quan đoàn thể tổ chức nhiều hình thức sinh hoạt hè cho thanh thiếu niên.

Phổ biến thời gian qua là các trại hè với những hình thức đa dạng như: học kỳ quân đội, khóa tu mùa hè, trại hè Anh ngữ... Tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, trại hè đã trở nên khá thịnh hành, thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.

Từ các trại hè này, trẻ em sẽ được tôi luyện kỹ năng, được học hỏi những kiến thức từ thực tế, được hòa mình với thiên nhiên. Ðặc biệt, trại hè là cơ hội để trẻ giao lưu, tương tác trực tiếp với các bạn cùng trang lứa. Thông qua các trò chơi vận động, trại hè còn giúp trẻ phát triển thể trạng và phản xạ nhanh nhạy, tăng sự tự tin, năng động. Không những thế, việc tập trung ở trại hè một thời gian nhất định còn giúp trẻ rèn được tính tự lập, biết trân trọng bản thân cũng như những người chung quanh, có ý thức trách nhiệm hơn trong cuộc sống. Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần hết sức lưu ý vì hiện nay, các dịch vụ tổ chức trại hè được quảng cáo khá rầm rộ nhưng không phải lúc nào cũng bảo đảm chất lượng như sự kỳ vọng. Do đó, phụ huynh cần tìm hiểu kỹ thông tin để lựa chọn những đơn vị tổ chức uy tín để tránh trường hợp "tiền mất tật mang".

Nếu không có điều kiện tham gia các trại hè, thì một chuyến du lịch của cả gia đình cũng là điều rất nên làm. Bố mẹ nên hướng con em mình đến các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa,... để trẻ được khám phá thiên nhiên, được học hỏi những điều mới lạ chung quanh mình. Thông qua chuyến đi, bố mẹ còn có thể quan sát để hiểu rõ hơn về tâm lý, tính cách của trẻ, từ đó lựa chọn phương pháp nuôi dạy và giáo dục trẻ cho phù hợp.

Tại một số quốc gia có nền giáo dục phát triển như Ðức, Hà Lan, Australia,... hầu như phụ huynh không cảm thấy mùa hè là áp lực trong việc trông con. Ngược lại, họ xem đó là dịp để bố mẹ, con cái quây quần. Nhiều gia đình thường tổ chức các chuyến dã ngoại kết hợp với cắm trại để vừa được thư giãn, vừa có cơ hội dạy trẻ một số kỹ năng cơ bản. Những chuyến dã ngoại như thế, phụ huynh sẽ phân công trẻ làm những phần việc nhất định phù hợp khả năng. Ðó là cách để trẻ có trách nhiệm với công việc và ngày càng trưởng thành hơn. Trong khi đó, không ít phụ huynh Việt Nam tổ chức cho trẻ đi du lịch nhưng lại quá chú trọng đến việc ăn ở sao cho tiện nghi, thịnh soạn mà lại ít quan tâm cho trẻ trải nghiệm nên các em khó có cơ hội hoàn thiện kỹ năng sống. Hoặc việc phụ huynh chăm sóc, quản thúc trẻ quá sát sao trong suốt chuyến đi cũng dễ khiến cho trẻ không cảm thấy thoải mái, không hình thành được tính chủ động, tự lập.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, ở lứa tuổi thiếu nhi và thanh thiếu niên, trẻ thường hiếu kỳ, thích khám phá thế giới chung quanh. Do đó, việc thay đổi không gian sống, dù trong thời gian ngắn của những ngày hè, vẫn có thể giúp trẻ học hỏi được rất nhiều điều bổ ích. Ðôi khi chỉ cần khuyến khích trẻ tham gia hoạt động xã hội tại địa phương hoặc đưa trẻ về quê thăm ông bà, họ hàng vài ngày cũng là cách giúp trẻ có những trải nghiệm lý thú. Việc thay đổi môi trường là điều kiện để trẻ học hỏi về nếp sống, tăng cường giao tiếp, mở rộng kiến thức văn hóa, trau dồi vốn ngôn ngữ... Những trải nghiệm như vậy sẽ trở thành kỷ niệm đáng nhớ trong hành trang cuộc đời của các em.

Liên quan việc học, ở một số quốc gia, giáo viên cũng cho học sinh làm bài tập trong hè, nhưng đó là dạng bài tập đặc biệt. Ðiển hình như yêu cầu học sinh khi nghỉ hè hãy đọc một quyển sách, viết tóm tắt nội dung rồi báo cáo kết quả lúc trở lại trường. Hoặc bài tập yêu cầu học sinh quan sát, ghi chép lại quá trình phát triển của một cái cây, một con vật nào đó gần nơi các em sống. Những bài tập này không quá khó, cũng không gây nhiều áp lực hay sự nhàm chán cho học sinh, mà lại rất hiệu quả. Trong khi đó ở Việt Nam, phương pháp này chưa được chú trọng. Tuy nhiên, các thầy, cô giáo và cha mẹ học sinh có thể tham khảo và áp dụng cho trẻ trong những ngày hè. Nhờ vậy, trẻ sẽ có kế hoạch, định hướng rõ ràng những việc cần làm trong kỳ nghỉ hè để góp nhặt được nhiều kiến thức bổ ích chứ không phải chỉ đơn thuần là vui chơi giải trí.

Một xu hướng được chuộng thời gian qua, đó là vào dịp trẻ nghỉ hè, thay vì việc cho con đi học thêm, nhiều phụ huynh đã chủ động cho con theo học các lớp dạy kỹ năng sống. Việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ là rất cần thiết bởi không chỉ giúp các em sinh tồn tốt hơn, mà thông qua các lớp này có thể khiến trẻ trở nên năng động, hoạt bát, rèn luyện trí tuệ và sức khỏe. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn lầm tưởng rằng, những lớp ngắn hạn có thể nhanh chóng giúp trẻ hoàn thiện kỹ năng, có thể đối phó mọi biến cố trong cuộc đời. Thực tế, kỹ năng sống cần phải được học, được rèn luyện và tích lũy thường xuyên, liên tục và phải duy trì trong một thời gian dài. Do đó trong điều kiện hạn hẹp về thời gian, phụ huynh không nên cho trẻ học quá nhiều kỹ năng, mà nên tập trung vào một số kỹ năng cần thiết như bơi lội, kỹ năng thoát hiểm khi gặp hỏa hoạn... Mỗi mùa hè các em được trang bị thêm một kỹ năng mới, đồng thời có kế hoạch ôn luyện lại để hoàn thiện các kỹ năng đã học. Nếu được duy trì ổn định, chỉ sau vài mùa hè, trẻ sẽ có những kỹ năng cần thiết để tự tin, chủ động hơn trong cuộc sống.

Bên cạnh những kỹ năng sinh tồn, phụ huynh cũng cần lưu tâm xem con em mình có tố chất gì đặc biệt, để từ đó định hướng cho trẻ phát triển. Như trẻ yêu thích mỹ thuật thì chúng ta sẽ gửi trẻ vào các lớp học vẽ. Trẻ yêu thích âm nhạc thì tạo điều kiện cho trẻ học nhạc. Hoặc trẻ thích bóng đá thì bố mẹ đưa trẻ đến học tại các trung tâm năng khiếu bóng đá. Các lớp kỹ năng sống, nghệ thuật, thể thao… gần giống như những hoạt động ngoại khóa vì thế sẽ dễ lôi cuốn trẻ tham gia, và đánh thức khả năng tiềm ẩn của các em.

Có rất nhiều phương án để giúp học sinh tận hưởng một mùa hè ý nghĩa. Tuy nhiên, để giúp trẻ sống trọn vẹn những ngày hè sôi động, đáng nhớ, quan trọng nhất là cần sự thấu hiểu, hỗ trợ, tạo điều kiện của các bậc phụ huynh, sự tư vấn hỗ trợ từ phía nhà trường. Học văn hóa là hết sức quan trọng, nhưng trẻ em cần được phát triển nhiều kỹ năng khác, cũng như có quyền được vui chơi, khám phá cuộc sống theo đúng nhu cầu, sở thích của bản thân. Ðừng để trẻ "đánh mất mùa hè", vì mùa hè cũng là một phần tuổi thơ, một phần thanh xuân tươi đẹp mà các em sẽ mang theo suốt cuộc đời.

Theo TRƯƠNG CHÍ HÙNG (NDĐT)

 

Có thể bạn quan tâm