(GLO)- Chiều 11-4, tại TP. Pleiku và các huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Chư Pah, Ia Grai, Chư Prông đã xuất hiện mưa lớn trên diện rộng kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ. Trận “mưa vàng” này đã giúp cho hàng ngàn héc ta cây trồng được “giải hạn”.
Tranh thủ lúc đất còn ẩm ướt sau cơn mưa chiều 11-4, gia đình ông Nguyễn Văn Sớm (thôn Tân Sao, xã Ia Yok, huyện Ia Grai) tích cực bón phân cho gần 2 ha cà phê. Ông Sớm vui vẻ nói: “Bón phân lúc này giúp phân tan nhanh vào trong đất cho cây hấp thụ, có sức nuôi quả. Trận mưa chiều 11-4 đúng là “mưa vàng” đối với chúng tôi, giúp cho cây cà phê của gia đình đỡ bị hạn và cũng tiết kiệm được khoảng 4 triệu đồng tiền thuê công tưới”.
Sau cơn mưa chiều 11-4, người dân tranh thủ chăm sóc cây trồng. Ảnh: ĐỨC THỤY |
Cùng chung niềm vui, ông Lê Văn Quân (thôn Tân Sao, xã Ia Yok) phấn khởi cho hay: “Với hơn 2 ha cà phê thì mỗi đợt tưới, mình phải chi phí hết khoảng 5 triệu đồng tiền công, tiền điện. Giờ được trận mưa lớn, nông dân giảm được rất nhiều chi phí. Trời mưa, lượng nước phủ đều trên toàn bộ bề mặt đất, giúp cây trồng hấp thụ nước tốt hơn”.
Theo ông Nguyễn Phùng Hưng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, thời gian qua, trên địa bàn huyện xuất hiện một số cơn mưa cục bộ nhưng chưa giải quyết được tình trạng thiếu nước tưới cho cây trồng. Chiều 11-4, mưa rất lớn và kéo dài trên phạm vi gần như toàn huyện đã giúp cây trồng giải hạn. “Như vậy, nông dân coi như đỡ được đợt tưới thứ 3 hoặc thứ 4 cho cây cà phê, còn cây lúa đang trong giai đoạn trổ bông cũng đủ nước để phát triển. Đặc biệt, với trận mưa này, cây trồng vụ Đông Xuân coi như hết bị hạn”-ông Hưng nói.
Tại huyện Đak Đoa, trận mưa không chỉ “giải nhiệt” cho cây trồng mà còn giúp cho nông dân tiết kiệm được khá nhiều chi phí đầu tư, công lao động. Theo ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện: Toàn huyện có gần 300 ha lúa bị thiếu nước tưới. Còn riêng với cây công nghiệp dài ngày, nhất là cây cà phê cũng xảy ra thiếu nước cục bộ một số vùng. “Ngày 7 và 8-3, trên địa bàn huyện cũng có mưa cục bộ ở khu vực xã Hải Yang. Còn chiều 11-4, mưa kéo dài 40-120 phút trên toàn huyện đã phần nào giúp cho cây trồng giảm được hạn cuối vụ và người dân đỡ được một đợt tưới cho các cây công nghiệp dài ngày, tiết kiệm chi phí đầu tư. Với trận mưa này, cây trồng có thể chịu được nắng nóng thêm khoảng 1 tháng nữa để chờ mùa mưa”-ông Nguyễn Kim Anh cho hay.
Hàng ngàn ha cây công nghiệp dài ngày được giải hạn. Ảnh: Lê Nam |
Tương tự, hàng ngàn héc ta cây trồng trên địa bàn huyện Chư Pah cũng được giải hạn sau trận mưa lớn chiều 11-4. Ông Đinh Duy Nguyên-Chủ tịch UBND xã Ia Phí-cho biết: Trong khi người dân trong xã loay hoay tìm nguồn nước chống hạn cho cây trồng thì đây đúng là cơn “mưa vàng”. Trận mưa đầu tiên kéo dài gần 3 tiếng đồng hồ đã giải cứu khoảng 120 ha lúa nước và hơn 300 ha cà phê. Người dân rất phấn khởi vì không chỉ giải hạn cho cây trồng mà còn giúp họ tiết kiệm được khá nhiều chi phí trong sản xuất, thời tiết cũng dễ chịu hơn.
Thời gian qua, nắng nóng đã làm cho khoảng 160 ha lúa trên địa bàn các xã: Ia Phí, Ia Khươl, Đak Tơ Ve, Ia Mơ Nông và thị trấn Ia Ly bị thiếu nước. Đây là những diện tích sản xuất ở những khu vực không có công trình thủy lợi, chủ yếu sử dụng nước suối và mạch nước ngầm. Ông Trần Đắc Thắng-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah-thông tin: “Chiều 11-4, mưa gần như phủ đều toàn huyện. Tại các xã Ia Phí và Ia Khươl, mưa được khoảng 3 tiếng đồng hồ, còn khu vực xung quanh trung tâm huyện mưa kéo dài 60-90 phút. Trận mưa cơ bản đảm bảo nước cho cây cà phê phát triển và giúp một số diện tích lúa nước đang trong giai đoạn trổ bông có khả năng phục hồi lại”.
LÊ NAM