Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Gia Lai

Mưa cục bộ trên địa bàn Gia Lai giúp cây trồng được "giải nhiệt"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sau nhiều ngày nắng nóng kéo dài, trong 2 ngày (27 và 28-3), trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xuất hiện mưa lớn cục một một số khu vực, cơn mưa đã giúp cho cây trồng được “giải nhiệt”, nhất là cây công nghiệp dài ngày và cây hoa màu.
Cơn mưa vàng tại xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang. Ảnh: Lê Nam
Cơn mưa vàng tại xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang. Ảnh: Lê Nam
Chiều ngày 27 và 28-3, trên địa bàn các xã Đak Djrăng, Đak Ta Ley, Ayun (huyện Mang Yang, Gia Lai) xuất hiện cơn mưa rào cục bộ, góp phần “giải nhiệt” cho một số loại cây trồng như cà phê, lúa nước. Cơn mưa không chỉ giúp cho cây trồng được “giải nhiệt” mà còn giúp cho nông dân tiết kiệm được khá nhiều chi phí đầu tư, công lao động. 
Anh Nguyễn Thanh Bình (làng H’rak, xã Đak Djrăng) vui vẻ cho hay: “Gia đình có gần 1 ha cà phê đang chuẩn bị tưới nước đợt 3 thì trời mưa. Cơn mưa chiều ngày 27-3 kéo dài 1 tiếng đồng hồ giúp cho gia đình tiết kiệm được khoảng 2 triệu đồng tiền điện và công tưới. Đây thực sự là “cơn mưa vàng” đối với người nông dân chúng tôi”. Liền kề với rẫy cà phê của anh Bình, hơn 2 ha cà phê kinh doanh của gia đình anh Đinh A Dư cũng được giải hạn. “Chi phí cho mỗi đợt tưới mất khoảng 4-5 triệu đồng. Giờ được trận mưa lớn không chỉ giảm được chi phí đầu tư mà giúp cho lượng nước phủ đều trên toàn bộ bề mặt đất sẽ giúp cây trồng hấp thụ nước tốt hơn so với khi mình chỉ tưới nước vào gốc cây. Chúng tôi hy vọng sẽ xuất hiện thêm nhiều cơn mưa nữa để cây trồng phát triển tốt”-anh Dư vui vẻ nói. 
Ông Nguyễn Mạnh Điệp-Quyền Chủ tịch UBND xã Đak Djrăng (huyện Mang Yang, Gia Lai)-cho biết thêm: “Sau một thời gian dài nắng nóng, trên địa bàn xã đã xuất hiện cơn mưa rào và kéo dài được khoảng 1 tiếng đồng hồ. Trong khi cây cà phê và các loại cây hoa màu của người dân trên địa bàn xã đang bị khô héo vì thiếu nước tưới và người dân đang phải loay hoay tìm nguồn nước chống hạn thì đây đúng là “cơn mưa vàng”. Cơn mưa đã giúp cho người dân giải quyết được một đợt tưới và tiết kiệm được chi phí vài triệu đồng/ha, đặc biệt cơn mưa đã giải cứu cho cây trồng khỏi bị hạn”.
Cơn mưa xuất hiện trên địa bàn huyện Đak Đoa. Ảnh: Lê Nam
Cơn mưa xuất hiện trên địa bàn huyện Đak Đoa. Ảnh: Lê Nam
Còn tại huyện Đak Đoa, ông Nguyễn Kim Anh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đak Đoa-cho biết: Vào khoảng 16 giờ 30 phút ngày 27-3, trên địa bàn xã Hải Yang (huyện Đak Đoa) và một phần ở xã Kdang có xuất hiện cơn mưa cục bộ và kéo dài khoảng 30 phút. Tuy thời gian mưa ngắn và lượng nước mưa không nhiều nhưng cơn mưa phần nào giúp chống hạn cho cây trồng cuối vụ và người dân đỡ được một đợt tưới cho các cây công nghiệp dài ngày, tiết kiệm chi phí đầu tư. Cơn mưa giúp cho không khí dịu mát và “giải nhiệt” cho những cây công nghiệp dài ngày, cây hoa màu ở vùng không có thủy lợi.
Cơn mưa giải nhiệt cho cây trồng trên địa bàn xã Trà Đa (TP. Pleiku). Ảnh: Lê Nam
Cơn mưa giải nhiệt cho cây trồng trên địa bàn xã Trà Đa (TP. Pleiku). Ảnh: Lê Nam

Ông Nguyễn Văn Huấn-Phó phụ trách phòng Dự báo Khí tượng Thủy văn (Đài Khí tượng Thủy văn Tây Nguyên): “Trong 2 ngày 27 và 28-3, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện mưa rào cục bộ một số khu vực như: xã Biển Hồ, Trà Đa, khu vực trung tâm TP. Pleiku; xã Đak Djrăng, Đak Ta Ley (huyện Mang Yang); Ia Piơr (Chư Prông); Krong (Kbang); Pờ Tó (Ia Pa); Hải Yang (Đak Đoa)... lượng mưa đo được 0,2-17mm”.


Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Lương-Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho hay: Vừa qua trên địa bàn một số địa phương có xuất hiện mưa cục bộ và giải quyết được một phần nào đó về nguồn nước tưới cho cây trồng trong thời điểm nắng nóng như hiện nay. Tuy nhiên lượng mưa không nhiều và mới chỉ xuất hiện cục bộ một số nơi. Do đó, người dân vẫn phải tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp để hạn chế thấp nhất thiệt hại do nắng hạn gây ra. “Chúng tôi cũng đề nghị các địa phương thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết để triển khai các biện pháp chống hạn, phòng chống thiên tai. Đồng thời, có phương án điều tiết, sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, ưu tiên nước cho sinh hoạt và sản suất nông nghiệp, đặc biệt ưu tiên nước tưới cho các cây trồng đang ra hoa, kết trái”-ông Lương cho biết thêm.
LÊ NAM

Có thể bạn quan tâm