Mưa lũ liên tiếp tràn về Bắc bộ và Bắc Trung bộ làm nhiều nơi chìm trong nước lũ, giao thông bị chia cắt và đã có ít nhất 7 người chết và mất tích nhưng mưa lũ còn chưa dứt.
Mưa lớn gây ngập lụt ở Nam Định (Nguồn: TTXVN) |
Mưa lũ cục bộ đổ về gây sạt lở hoàn toàn đất đá trên tuyến quốc lộ 6 đoạn qua xã Đồng Bảng, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Từ đêm 13 đến sáng 14-8, toàn bộ hoạt động giao thông qua khu vực này bị đình trệ do mặt đường bị chia cắt, xe cộ qua lại bị ách tắc kéo dài hơn 1 km. Hơn 30.000 m³ đất đá sạt xuống mặt QL6 kéo dài khoảng 60m nên tất cả các phương tiện đều không thể qua lại.
Theo Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hòa Bình, đến chiều 14-6, đoạn sạt lở tại xã Đồng Bảng qua quốc lộ 6 đã tạm thông xe trở lại nhưng hoạt động đi lại giữa các xã trên địa bàn huyện Mai Châu vẫn rất khó khăn. Qua rà soát còn 5 xã trên tỉnh lộ 439 và quốc lộ 15 thuộc tỉnh Hòa Bình vẫn đang ngập nước. Hai xã trên trục tỉnh lộ 450 bị sạt lở nhiều điểm gây tắc đường là Tân Mai, Phúc Sạn.
Ngoài ra, đến chiều 14-8, trên địa bàn huyện Mai Châu (Hòa Bình) có 7 xã ở vùng lòng hồ thủy điện Hòa Bình và dọc quốc lộ 6 vẫn bị chia cắt. Đặc biệt ở thượng lưu đập thủy điện So Lo thuộc xóm So Lo, xã Phúc Sạn (Mai Châu) nằm ven lòng hồ thủy điện Hòa Bình đã xảy ra lũ ống làm 20 ngôi nhà của dân bị ngập 2 - 2,5m. Mặc dù chưa thống kê thiệt hại về người nhưng các gia đình đều bị cuốn trôi hết tài sản, nhiều hộ không còn gạo để ăn.
Tại huyện Đà Bắc (Hòa Bình), mưa to kéo dài gây sạt lở tuyến đường Tu Lý - Hiền Lương, đường liên xóm xã Toàn Sơn. Tại TP. Hòa Bình, có 8 nhà dân ở xóm Đao, xã Hòa Bình bị ngập, một số hộ dân tiểu khu 10 phường Tân Thịnh bị tràn ao cá. Chiều 14-8, UBND huyện Mai Châu đã tổ chức hỗ trợ tạm thời mỗi hộ dân 500.000 đồng và đề nghị hỗ trợ thêm gạo cho bà con sớm an cư sau mưa lũ.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, do mưa lũ lớn xảy ra trên diện rộng ở Bắc bộ, tính đến chiều 14-8 đã có ít nhất 7 nạn nhân thiệt mạng do mưa lũ. Trong đó trên địa bàn tỉnh Lào Cai, mưa lũ đã làm ông Phạm Công Môn, 63 tuổi, trú tại xã Võ Lao, huyện Văn Bàn bị lũ cuốn trôi khi đi qua suối Nậm Mả gây thiệt mạng, còn vợ ông Môn là bà Đỗ Thị Thanh Nhàn (51 tuổi) bị lũ cuốn mất tích hiện chưa tìm thấy.
Tại xã Bản Phùng, huyện Sa Pa có 1 người chết do mưa lũ. Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, mưa to và lũ trên các sông suối ở huyện Điện Biên Đông đã làm 2 cháu nhỏ là Vừ Thị Lai (3 tuổi) ở bản Húng Ba, xã Chiềng Sơ và Lường Thị Phúc (8 tuổi) ở bản Nà Sản 1, xã Mường Luân bị lũ cuốn trôi.
Tại tỉnh Thái Nguyên, mưa lớn cũng làm 1 nạn nhân thiệt mạng là em Nguyễn Văn Sơn (22 tuổi) ở xã Bình Long, huyện Võ Nhai, bị lũ cuốn trôi khi đi chăn trâu. Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cho biết, tại tỉnh Thanh Hóa cũng có một cháu bé 5 tuổi bị thiệt mạng do mưa lũ. Mưa lũ rất lớn kéo dài còn làm sạt lở tỉnh lộ 15C và tuyến đường từ thị trấn Mường Lát đi xã Mường Lý, hiện huyện Mường Lát đang bị cô lập hoàn toàn.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, đợt mưa lũ từ ngày 13 đến 14-8 là do ảnh hưởng của dải hội tụ trên cao di chuyển từ phía Bắc xuống Bắc bộ. Từ ngày 15 đến 18-8 tiếp tục xuất hiện một vùng áp thấp nhiệt đới sẽ gây mưa lũ lớn hơn ở Bắc bộ.
Hiện nay lũ thượng nguồn sông Mã ở tỉnh Thanh Hóa và Sơn La đang lên nhanh. Dự báo mực nước thượng lưu sông Mã tại thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa-Thanh Hóa) có khả năng lên mức 60,5 mét so với mặt nước biển. Các khu vực như Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát có nguy cơ bị lũ quét và ngập lụt.
Theo sggp