Thời sự - Bình luận

Mưa lũ và nạn phá rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người chồng, khuôn mặt đau đớn, thất thần, gào khóc thảm thiết, ngã quỵ bên biển nước mênh mông. Dòng nước lũ hung dữ đã cuốn trôi ngay trước mắt anh người vợ và đứa con còn chưa kịp chào đời trên đường họ tới bệnh viện. Đó là cảnh tượng thương tâm xảy ra ở huyện Phong Điền - Thừa Thiên-Huế trong cơn bão lũ vừa qua.

Người chồng ngã quỵ bên biển nước mênh mông - cảnh tượng thương tâm xảy ra ở huyện Phong Điền - Thừa Thiên-Huế trong cơn bão lũ vừa qua. Ảnh: Cắt từ clip.
Người chồng ngã quỵ bên biển nước mênh mông - cảnh tượng thương tâm xảy ra ở huyện Phong Điền - Thừa Thiên-Huế trong cơn bão lũ vừa qua. Ảnh: Cắt từ clip.


Đau đớn quá miền Trung. Đã có tới 32 đồng bào chết và mất tích vì mưa lũ.

Mưa lũ đang để lại những hậu quả rất khủng khiếp. 109.034 nhà dân bị ngập. 584ha lúa, 3.879ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 2.141ha thủy sản bị thiệt hại; 271 con gia súc, 150.489 con gia cầm bị chết.

Và đau đớn nhất là đã có tới 32 đồng bào đã chết, mất tích.

Tại sao hậu quả lại thảm khốc tới như vậy?

Đã đành bão số 6 là cơn bão lớn. Đã đành là mưa lũ vượt mốc kỷ lục lịch sử năm 1983. Nhưng thật ra, còn có một nguyên nhân khác. Đó là sự biến mất của không ít diện tích rừng tự nhiên.

TS Nguyễn Huy, một chuyên gia về biến đổi khí hậu từng phân tích các bản đồ vệ tinh được chụp liên tục từ năm 2000 đến nay để cảnh báo về hiện tượng biến mất của lớp thực bì trong các khu rừng nguyên sinh phía Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn vốn rất quan trọng trong điều hoà khí hậu Việt Nam.

Hãy nhớ, một trong những quyết định đầu tiên ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh đóng cửa rừng.

3 năm sau đó, trong văn bản trả lời chất vấn ĐBQH Nguyễn Kim Thuý, Thủ tướng tiếp tục khẳng định: “Đóng cửa rừng là một quyết định cứng rắn nhưng cần thiết...”.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường xử lý nghiêm các vụ phá rừng trái phép.

Nhưng lâm tặc không chỉ gồm lâm tặc.

Số liệu dưới đây từng được báo chí công bố: Tính đến 2019, chỉ một tỉnh như Lâm Đồng có 31/53 dự án được đồng ý cho chuyển từ rừng tự nhiên sang trồng caosu. Đến tháng 5.2020, tổng diện tích cây caosu chẳng hạn trên địa bàn huyện Bảo Lâm chỉ khoảng 3.510ha, nhưng hầu hết rừng tự nhiên được cấp phép tận thu gỗ đã bị khai thác hết.

Có lẽ, cùng với việc bảo vệ chặt chẽ các khu rừng, cùng với việc xử lý lâm tặc mang cưa, chúng ra cũng không thể không xem lại việc chuyển đổi rừng khi những cánh rừng thay thế không cách gì có được sự bảo vệ tự nhiên như rừng nguyên sinh. Bởi đơn giản, một cái cây cổ thụ bị đốn chặt trong rừng thì đó là sự ra đi gần như vĩnh viễn khi không chỉ mất vài cái cây mà chúng ta mất đi cả lớp thảm thực bì, giữ nước và điều hoà khí hậu, mất đi sự bảo vệ tự nhiên.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/mua-lu-va-nan-pha-rung-844397.ldo

Theo Đào Tuấn (LĐO)

Có thể bạn quan tâm