Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Mưa qua phố nhỏ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Độ này thời tiết cứ ẩm ương. Thật đúng với câu “Gió mưa là bệnh của giời”. Hôm thì lạnh như mùa đông đột khởi, hôm lại oi trong cái nắng vàng hanh. Cũng chẳng hiểu vì sao, càng về sau này, khí trời lại đổi thay chóng vánh đến vậy. Ra đường tạnh ráo vẫn phải cầm theo ô vì biết đâu trong cái nắng tinh nghịch ấy lại phảng phất hơi mưa từ kẽ gió. Tháng 7, rõ là “đương thì” mùa mưa Tây Nguyên. Bạn bè phương xa nhắn hỏi trên này mùa nào đẹp nhất, họ lưỡng lự hay là đợi mùa khô chứ đang mưa dầm thì biết đi những đâu. Gần gụi với “đất đỏ” bao năm, tôi nên trả lời sao cho phải?

Minh họa: Huyền Trang

Sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên, vậy mà lúc nào tôi cũng có cảm giác ngỡ ngàng như người lần đầu đặt chân đến. Mến thương đã nhiều nhưng cái vốn liếng hiểu biết về xứ sở này còn ít ỏi quá. Mỗi người rồi sẽ có một hình dung về Tây Nguyên, cả “anh khách lạ” hay cô gái người bản xứ. Có lẽ, cái hình dung ấy vừa thực vừa mộng nên đẹp đến mức gần như lý tưởng. Không phải cứ ánh nhà rông bập bùng men rượu thì mới là “Tây Nguyên”. Như Pleiku bây giờ, phố đã phố cao, nhà đã nhà rộng, dốc đỏ cũng bớt ngút ngàn nhưng vẫn là Tây Nguyên đấy chứ. Ngoài tiếng chiêng gọi mời thì Tây Nguyên có gì để phải lòng “anh khách lạ”. Người có bằng lòng về đây chỉ để ngắm một chiều mưa qua phố nhỏ, để biết phố núi cao nguyên có những ngày rợp bóng sương mù. Những ngày không lễ hội, không điệu xoang cháy đỏ ánh nhìn và cũng không có hoa quỳ vàng đưa lối.

Nói dại, mùa mưa ở Tây Nguyên chẳng biết đi đâu. Cứ tưởng một mét vuông lại thừa ra biết mấy bàn chân nên nhìn phố chật mà mình cứ loanh quanh. Pleiku phố nhỏ chia làm nhiều tuyến, có đường dài mà im vắng, có đoạn ngắn mà đầy ắp tiếng nói cười. Có vỉa hè dong dỏng cây xanh, lại có ngã tư chơ vơ không bóng lá. Những chiều qua phố, “trời còn làm mưa”, tôi thấy mình liêu xiêu. Nhà thơ Trần Dần có câu “Mưa rơi không cần phiên dịch”. Hay quá! Không phải vì người ta đã hiểu mà có lẽ tự trong tiếng mưa ấy đã đẫm ướt biết bao chuyện đời. Khi con người bải hoải với chuyện áo cơm, một lần ra ngồi thu mình ở góc phố quen, nhấp ngụm cà phê đắng trong cái lảng bảng sương mờ gần như mưa nhỏ thì mới thấm tháp bằng hết cái hương vị của phố quanh đồi. Mưa cho thanh sạch đất trời. Mưa cuốn đi hay làm đầy thêm những “riêng tư buồn bã” cũng không còn đáng tranh cãi nữa. Nếu chỉ vậy thôi, có đủ làm “anh khách lạ đi lên đi xuống”?

Ai đó đã nói Tây Nguyên có đủ bốn mùa. Không phải bốn mùa trong một năm mà chỉ trong một ngày. Thì mưa, nói cho cùng, cũng là một biểu tượng tinh thần của Tây Nguyên. Ai dám bảo mưa nơi nào cũng giống nhau cơ chứ. Nhớ lại câu hỏi của bạn bè, tôi thật chưa biết phân định thế nào cho phải. Giá mỗi người trong chúng ta đều giữ cho mình cái thú mộng mơ thì sẽ thấy Tây Nguyên mùa nào cũng đẹp, như nước Việt nơi nào cũng đáng dừng chân. Đừng hỏi rằng nên đến Tây Nguyên mùa mưa hay nắng vì miền đất này vốn đã khoáng đạt từ trong hồn vía tháng năm. Cũng như người Tây Nguyên, đâu phải hoang dại chỉ vì tấm áo…

 

LỮ HỒNG

 

Có thể bạn quan tâm