Kinh tế

Nông nghiệp

Mùa vàng trên những cánh đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vụ mùa năm nay, tại cánh đồng làng Klă (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) và tổ dân phố 10 (thị trấn Phú Thiện), ngành chức năng đã triển khai 2 mô hình trồng lúa nước giống Hương Thơm 1 và ST24. Bước đầu, cả 2 mô hình đều đem lại hiệu quả.

Từ mô hình trồng lúa nước ở Ia Mơr

Ia Mơr là xã biên giới, dân số đông, diện tích đất trồng lúa lớn. Đặc biệt, những năm gần đây, công trình hồ thủy lợi Ia Mơr được đầu tư xây dựng đưa nước về tận cánh đồng đã mở ra cơ hội để người dân phát triển sản xuất lúa nước. Ông Lưu Hoài Hưng-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông-cho biết: “Trên địa bàn xã Ia Mơr có hơn 300 ha đất trồng lúa. Thế nhưng, trước đây, người dân chỉ trồng lúa rẫy mỗi năm 1 vụ, năng suất bình quân chỉ đạt 1 tấn/ha. Chính vì thế, chúng tôi đã triển khai mô hình sản xuất lúa nước vụ mùa sử dụng giống lúa ngắn ngày chất lượng cao Hương Thơm 1 tại cánh đồng làng Klă”.

 Đại diện doanh nghiệp tư nhân Tám Biển (Tiền Giang) bắt tay cam kết với người nông dân bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa gạo tham gia mô hình. Ảnh: Vũ Chi
Doanh nghiệp tư nhân Tám Biển (tỉnh Tiền Giang) bắt tay với nông dân, cam kết bao tiêu toàn bộ sản lượng lúa gạo tham gia mô hình. Ảnh: Vũ Chi



Theo đó, mô hình trồng lúa nước được triển khai trên diện tích 10 ha với 18 hộ tham gia. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là 270 triệu đồng, trong đó, kinh phí hỗ trợ cho các hộ dân là 242 triệu đồng. Sau 95 ngày gieo sạ, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất đạt trung bình 6-8 tấn/ha. Trừ chi phí, người dân lãi 18-23 triệu đồng/ha. Ông Từ Ngọc Thông-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Prông-cho biết: “Chúng tôi vận động người dân thay đổi tư duy trồng lúa rẫy sang trồng lúa nước. Cùng với đó, hỗ trợ người dân khai hoang, đắp bờ, làm đất, cung cấp giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật. Cán bộ, nhân viên Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện luôn có mặt ở địa bàn để hướng dẫn nông dân chăm sóc và phòng bệnh cho cây lúa”.

Nhìn những bao thóc vàng óng, nặng trĩu, ông Rơ Mah Him (làng Klă) không giấu được sự xúc động: “Trước đây, chúng tôi làm lúa rẫy mỗi năm 1 vụ, không biết đắp bờ giữ nước nên năng suất đạt thấp. Nhờ cán bộ huyện hướng dẫn, giúp đỡ, tôi đã tham gia mô hình trồng lúa nước và thấy hiệu quả rõ rệt, năng suất cao hơn lúa rẫy rất nhiều. Từ nay, chúng tôi không còn lo cái ăn nữa. Sang năm, tôi sẽ cải tạo đất để trồng lúa nước, không trồng lúa rẫy nữa”.

Thấy dân làng Klă thu hoạch lúa nước đạt hiệu quả cao, người dân các làng khác cũng đến tham quan, tìm hiểu cách trồng. Ông Đinh Văn Dũng-Bí thư Huyện ủy Chư Prông, người đưa ra ý tưởng đầu tiên cho mô hình này-cho biết: “Xã Ia Mơr có rất nhiều tiềm năng để phát triển cây lúa nước. Tuy nhiên, khó khăn là diện tích đất chưa được khai hoang, đắp bờ và san phẳng nên rất khó trồng lúa nước. Chúng tôi mong muốn các ngành chức năng của tỉnh có chính sách hỗ trợ người dân khai hoang. Nếu khai hoang đồng ruộng xong, tôi tin rằng sau mô hình này, người dân trong xã sẽ nhân rộng để làm theo, từ đó đảm bảo an ninh lương thực, phát triển kinh tế trên địa bàn”.

Đến cánh đồng lúa ST24

Vụ mùa 2022, Hội Nông dân huyện Phú Thiện liên kết với Công ty TNHH Công nghệ sinh học Việt Mỹ triển khai mô hình canh tác lúa ST24 theo hướng hữu cơ trên diện tích 27 ha với 40 hộ dân tại tổ dân phố 10 (thị trấn Phú Thiện) tham gia. Cùng với việc sử dụng 100% phân bón hữu cơ, một số khâu trong quá trình chăm sóc cây lúa như gieo sạ, phun thuốc cỏ mầm được nhân viên kỹ thuật hướng dẫn triển khai đồng bộ bằng hệ thống máy bay không người lái. Sau hơn 3 tháng triển khai, đến nay, toàn bộ diện tích lúa chuẩn bị bước vào thu hoạch.

 Lãnh đạo huyện Chư Prông kiểm tra mô hình sản xuất lúa vụ mùa 2022 tại cánh đồng làng Klă, xã Ia Mơr. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Lãnh đạo huyện Chư Prông kiểm tra mô hình sản xuất lúa vụ mùa 2022 tại cánh đồng làng Klă, xã Ia Mơr. Ảnh: Vĩnh Hoàng


Tham gia mô hình, ông Bùi Xuân Khấn cho biết: Nhờ sử dụng máy bay không người lái trong một số khâu nên bà con tiết kiệm được nhân công, giảm chi phí đầu tư. Cùng với đó, việc sử dụng phân hữu cơ giúp cây lúa xanh hơn, hạn chế sâu bệnh. Toàn bộ quá trình lúa sinh trưởng, ông chỉ phun thuốc trừ sâu sinh học 2 lần để phòng trừ bọ trĩ và sâu cuốn lá, sâu đục thân. “Khoảng 10 ngày nữa, 5 ha lúa sẽ cho thu hoạch với năng suất dự kiến đạt 7,5-8 tấn lúa tươi/ha, cao hơn các giống lúa truyền thống 1 tấn/ha. Nếu bán với giá 7.400 đồng/kg như năm ngoái thì gia đình tôi lãi 25-30 triệu đồng/ha”-ông Khấn phấn khởi nói.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Thiện, qua kiểm tra cho thấy, mô hình canh tác lúa ST24 theo hướng hữu cơ đã thành công ngoài mong đợi bởi chi phí đầu tư tương đương với sử dụng phân bón vô cơ nhưng năng suất cao hơn hẳn. Đặc biệt, thông qua sự kết nối của Công ty TNHH Công nghệ sinh học Việt Mỹ, Doanh nghiệp tư nhân Tám Biển (xã Tân Thanh, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) đã cam kết thu mua toàn bộ lúa của bà con tham gia mô hình với giá 7.500 đồng/kg. Với mức giá này, các hộ tham gia mô hình có lãi 20-30 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Anh Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-cho biết: Lúa là cây trồng chủ lực, đem lại thu nhập ổn định cho người dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Vì vậy, thời gian qua, UBND huyện luôn quan tâm dành nguồn vốn cho các dự án, chương trình phát triển cây lúa nhằm nâng cao chất lượng gạo Phú Thiện. Thành công từ mô hình canh tác lúa ST24 theo hướng hữu cơ đã mở ra hướng đi mới trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp huyện theo hướng bền vững. Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Hội Nông dân tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá mô hình, từ đó đề xuất bố trí kinh phí nhân rộng mô hình trong các vụ tiếp theo.

 

 VĨNH HOÀNG - VŨ CHI

 

Có thể bạn quan tâm