Các thiết bị cảm biến vừa vặn trong chiếc mũi điện tử được in bằng phương pháp 3D. Ảnh: BBC |
Tái tạo năng lực giác quan mạnh như vậy đối với một thiết bị khoa học là thách thức lớn cho các nhà phát triển. Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ về trí tuệ nhân tạo (AI) gần đây, mũi điện tử gắn cảm biến công nghệ cao có thể phát hiện và phân biệt các mùi cụ thể đang nhanh chóng cải thiện tốc độ và độ chính xác.
Những nhà sáng tạo cho rằng phát minh mới có thể thay đổi vấn đề an toàn thực phẩm.
Mũi điện tử do công ty Sensifi của Israel sản xuất có chứa các điện cực được phủ bằng các hạt nano carbon. Chúng có thể phát hiện mùi hoặc các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) do vi khuẩn thải ra.
Các chủng vi khuẩn khác nhau tạo ra dấu vết VOC khác nhau, giúp thiết bị Sensifi có thể "đánh hơi" các tín hiệu khác nhau. Sau đó, các tín hiệu này sẽ được một hệ thống phần mềm AI kiểm tra dựa trên cơ sở dữ liệu sẵn có và thông báo cho người dùng.
“Các loại vi khuẩn từ thực phẩm có khả năng gây chết người phổ biến là salmonella và E. Coli. đều sản sinh ra tín hiệu VOC riêng”, Giáo sư Raz Jelinek, giáo sư hóa học phát triển mũi điện tử Sensifi thuộc Đại học Ben Gurion tại Negev (Israel), cho biết.
Ra mắt vào đầu năm nay, Sensifi được kỳ vọng có thể thay đổi cuộc chiến chống ngộ độc trong ngành thực phẩm. Giám đốc điều hành Modi Peled cho biết trong hầu hết các trường hợp, các nhà sản xuất thực phẩm phải gửi mẫu đến phòng thí nghiệm để kiểm tra và mất vài ngày mới nhận được kết quả.
Tuy nhiên, mũi điện tử Sensifi có thể được sử dụng ngay tại chỗ, ở chính các công ty thực phẩm và cho kết quả sau chưa đầy một giờ. Giá của chiếc mũi này chưa được công bố nhưng công ty cho biết nó sẽ có mức giá thấp và họ sẽ kiếm phần lớn lợi nhuận từ phí bản quyền.
Giám đốc điều hành Peled cho hay: “Các phương pháp thử nghiệm trong ngành thực phẩm vẫn không thay đổi trong 40 đến 50 năm qua. Cho đến nay AI vẫn chưa thực sự bước vào phân khúc này”.
Ngộ độc thực phẩm vẫn là một vấn đề nghiêm trọng trên toàn thế giới. Ở Mỹ, 48 triệu người, tức cứ 6 người thì có 1 người, bị ngộ độc thực phẩm. Trong số này, 128.000 người phải nhập viện và 3.000 người tử vong.
Ở Anh, số liệu thống kê cho biết có tới 2,4 triệu trường hợp ngộ độc thực phẩm mỗi năm và ước tính có 180 trường hợp tử vong.
“Phần lớn mọi người sẽ nói rằng thịt, gia cầm và cá là thủ phạm chính. Những kẻ giết người lớn nhất trong ngành thực phẩm Mỹ trong 5 đến 10 năm qua là rau diếp romaine. Thị trường thực phẩm càng được công nghiệp hóa thì càng dễ bị nhiễm mầm bệnh”, ông Peled giải thích.
Tuy nhiên, một số chuyên gia AI cho rằng mặc dù mũi điện tử hoạt động tốt nhưng nhu cầu vẫn chưa tăng đáng kể vì các công ty thực phẩm có thể chần chừ vì chi phí lắp đặt.
Chuyên gia AI Kjell Carlsson của Phòng thí nghiệm dữ liệu Domino có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) chỉ ra rằng, mũi điện tử sẽ cần được điều chỉnh đối với từng cơ sở thực phẩm. Đây là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn trong một ngành không quen với việc nắm bắt các công nghệ mới”.