(GLO)- Hàng ngày, nhiều người vẫn cặm cụi nhặt nhạnh ở bãi rác xã Song An (thị xã An Khê, Gia Lai) bất chấp mùi hôi thối ảnh hưởng đến sức khỏe. Số tiền kiếm được mỗi ngày quá ít ỏi so với công sức và những gì họ đánh đổi.
Hơn 9 giờ sáng, dưới cái nắng hầm hập như đổ lửa và không khí oi nồng nơi bãi rác xã Song An, 8 người phụ nữ trong trang phục lấm lem vẫn miệt mài sục sạo, bới tìm, nhặt nhạnh những thứ có thể tận dụng hoặc bán kiếm tiền được. Chốc chốc, họ lại đưa tay quệt vội những giọt mồ hôi đã thấm đẫm trên trán. Họ cứ lầm lũi như thế mà chẳng mấy khi trò chuyện, phần vì mùi hôi thối nơi bãi rác, ruồi nhặng bâu xung quanh, phần vì nắng và mệt. Khói từ các đám cháy của bãi rác càng làm cho không khí nơi đây thêm nóng bức, đặc quánh, khô khốc.
Những người phụ nữ mưu sinh ở bãi rác xã Song An. Ảnh: G.N |
Để làm việc tại đây, vật dụng mưu sinh của những người phụ nữ này là chiếc cào dùng bới rác và vài cái bao tải cỡ bự. Đồ bảo hộ cũng rất sơ sài gồm chiếc nón lá, cái khẩu trang mỏng manh và đôi bao tay.
Chúng tôi muốn bắt chuyện nhưng không biết phải xưng hô như thế nào cho đúng vì họ ai cũng lấm lem như nhau, mặt bịt kín chỉ chừa lại đôi mắt. Tiếp xúc với một người phụ nữ đang làm việc tại đây, chúng tôi hỏi tên cho dễ xưng hô thì người này vội xua tay: “Tụi tui làm nghề này dơ dáy, bẩn thỉu nên các chú đừng hỏi tên, ghi tên làm gì. Khổ lắm rồi mới phải đi làm cái nghề này mấy chú ơi”. Gặng hỏi mãi, người phụ nữ này mới cho biết mình tên N.T.H. (60 tuổi, trú tại xã Song An). Vừa trò chuyện, bà vừa khua tay liên tục để xua lũ ruồi đang vo ve trước mặt. Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết, bà là người lớn tuổi nhất ở đây, mọi người thường gọi bà là cô 2 chứ không gọi tên. Bà H. cho biết mình làm nghề nhặt rác ở đây đã hơn 10 năm.
Theo bà H., vào mỗi buổi sáng sẽ có khoảng 5 xe chở rác về đổ ở bãi. Trung bình mỗi ngày có hơn 10 người nhặt rác, hầu hết là phụ nữ. Thỉnh thoảng có thêm 1, 2 người đàn ông đi cùng vợ. Họ làm việc ở đây từ sáng sớm đến trưa, là thời điểm xe tập kết rác về bãi. Buổi chiều, xe không đổ rác nữa nên họ trở về nhà làm các công việc khác. Rác sẽ được phân thành nhiều loại khác nhau. Các loại chai nhựa, giấy vụn được tập trung thành đống riêng và bán vào cuối ngày, mỗi ngày nếu làm việc chăm chỉ sẽ được khoảng 70-100 ngàn đồng. Các loại bao bì nhựa, túi ni lông được phân loại riêng, khoảng 3 tuần sẽ được 1 tấn và bán được gần 2 triệu đồng. Những người nhặt rác đều có hoàn cảnh khó khăn, không có nghề nghiệp ổn định, nhà chỉ có ít đất để làm nông nghiệp. Do đó, từ nhiều năm nay, công việc tại bãi rác trở thành nguồn thu nhập chính của họ. “Nhặt rác ở đây lâu rồi, mũi đã quen với mùi của bãi rác nhưng sức khỏe thì tui thấy giảm đáng kể. Đêm về đau đầu, chân tay bữa nay cũng ê ẩm rồi”-một người phụ nữ nói.
Khi P.V hỏi có khi nào nhặt được các đồ vật có giá trị chưa, bà H. cho biết mình đã một vài lần tìm thấy các loại giấy tờ mà chủ nhân bỏ quên theo đồ đạc vứt đi. Những lần như thế, bà đều tìm cách liên hệ và trả lại. Chuyện vô tình giẫm phải các vật sắc nhọn, đứt tay đứt chân xảy ra như cơm bữa. Có lần chảy nhiều máu, chị em phải phân công nhau đưa đi bệnh viện, sau đó còn phải tiêm ngừa uốn ván.
Ảnh: Gia Nguyễn |
Thời gian nhàn rỗi là thứ xa xỉ đối với những người đang làm việc tại bãi rác này. Khi đã “mần” hết một xe rác, 8 người phụ nữ tranh thủ thời gian chờ xe rác khác về bãi ngồi tụm lại uống nước, trao đổi vài câu chuyện bâng quơ bên những chiếc chòi dã chiến được dựng ngay trong bãi. Họ ngồi bệt xuống đất, thản nhiên và thoải mái như ở nhà. Mà cũng phải thôi, bao nhiêu năm làm việc ở đây, họ đã quen thuộc với từng ngóc ngách của nơi này.
Chừng được 5 phút, một người phụ nữ bỗng hô lớn: “Xe rác về, xe rác về rồi!”. Đồng loạt, tất cả cùng đứng phắt dậy chạy nhanh nhất có thể đến nơi xe vừa đổ rác xuống. Mỗi người một góc, ai có việc nấy và một quy trình công việc cũ lại tiếp tục. Thỉnh thoảng, một vài con quạ bay ngang qua đầu và kêu lên những tiếng thất thanh làm người nghe không khỏi lạnh sống lưng.
Theo quan sát của P.V, khu vực bãi rác này rộng đến cả chục héc ta. Mỗi ngày có khoảng 30 tấn rác của các phường, xã trên địa bàn thị xã An Khê được tập trung về đây. Từng ngày trôi qua, những người chọn nơi này mưu sinh có thêm chút thu nhập để lo toan cho cuộc sống, nhưng những vất vả và cả sự đánh đổi của họ là không gì có thể so sánh được. Cay cay nơi khóe mắt, chúng tôi rời khỏi bãi rác Song An mà lòng không khỏi bùi ngùi, xót xa.
GIA NGUYỄN