Kinh tế

Hàng hóa - Tiêu dùng

Mỳ ăn liền từ Việt Nam ngày càng chinh phục thị trường Nhật Bản

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tại chợ thực phẩm châu Á ở Tokyo, mỳ ăn liền có in chữ nước ngoài trên bao bì được đặt ở vị trí nổi bật gần lối vào, trong đó nổi bật là các thương hiệu mỳ quen thuộc của Việt Nam như Hảo Hảo, Omachi.
Mỳ ăn liển sản xuất tại Việt Nam chất đầy các kệ hàng tại một cửa hàng thực phẩm ở thủ đô Tokyo. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/TTXVN)

Mỳ ăn liển sản xuất tại Việt Nam chất đầy các kệ hàng tại một cửa hàng thực phẩm ở thủ đô Tokyo. (Ảnh: Nguyễn Tuyến/TTXVN)

Thị trường Nhật Bản, nơi được coi là quê hương của mỳ ăn liền, đang ngày càng mở rộng cửa với các thương hiệu mỳ ăn liền của các nước châu Á, trong đó đáng chú ý là Việt Nam.

Mỳ ăn liền được sản xuất lần đầu tiên tại Nhật Bản vào năm 1958. Momofuku Ando, người sáng lập Nissin Foods, nảy ra ý tưởng này khi Nhật Bản đang phải vật lộn với tình trạng thiếu lương thực sau Chiến tranh thế giới thứ hai.

Công ty ra mắt sản phẩm mỳ cốc đầu tiên trên thế giới vào năm 1971. Khi có nhiều hương vị khác nhau phù hợp với từng thị trường, mỳ ăn liền đã lan rộng khắp thế giới, bao gồm cả Mỹ và Trung Quốc.

Trải qua hơn nửa thế kỷ, Nhật Bản, với ngành sản xuất mỳ ăn liền hùng mạnh, đương nhiên trở thành quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực này. Các tập đoàn sản xuất mỳ ăn liền hàng đầu của Nhật Bản với nhiều lợi thế đã mở rộng phạm vi hoạt động ra nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nhiều thương hiệu mỳ ăn liền phổ biến tại Việt Nam là sản phẩm của các tập đoàn thực phẩm Nhật Bản liên doanh với Việt Nam như mỳ Hảo Hảo, mỳ Đệ Nhất của Tập đoàn Acecook Việt Nam… Trong khi mục tiêu đầu tiên là hướng đến người tiêu dùng Việt Nam, giờ đây một số tập đoàn đã bắt đầu nhập khẩu các sản phẩm này trở lại Nhật Bản.

Xu hướng này bùng phát trong thời kỳ đại dịch khi người Nhật không thể đi du lịch nước ngoài, đã chọn hương vị mỳ ăn liền của một số nước châu Á, trong đó đáng chú ý là hương vị Việt Nam dưới dạng mỳ ăn liền có thể nấu trong vòng chưa đầy 5 phút.

Nhận thấy xu hướng này, các công ty Nhật Bản sản xuất mỳ ăn liền ở nước ngoài cho các thị trường khác đã bắt đầu nhập khẩu trở lại Nhật Bản.

Acecook vào Việt Nam từ năm 1993 và hiện là nhà sản xuất mỳ ăn liền lớn nhất tại Việt Nam với thị phần khoảng 40%. Năm 2018, công ty bắt đầu nhập khẩu và bán toàn bộ sản phẩm mỳ Hảo Hảo sản xuất tại Việt Nam tại Nhật Bản.

Đại diện Acecook cho biết: “Nhu cầu đối với thực phẩm châu Á đích thực đang tăng lên thay vì các sản phẩm phù hợp với khẩu vị người Nhật." Do sự nổi tiếng của Hảo Hảo, công ty sẽ bắt đầu nhập khẩu Mỳ Lẩu Thái từ tháng 11.

Tại chợ thực phẩm châu Á ở quận Shin-Okubo, Tokyo, mỳ ăn liền có in chữ nước ngoài trên bao bì được đặt ở vị trí nổi bật gần lối vào, trong đó nổi bật là các thương hiệu mỳ quen thuộc của Việt Nam như Hảo Hảo, Omachi, Cung đình,…

Các sản phẩm từ Đông Nam Á đang có mức tăng trưởng đáng kể, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam đạt tổng cộng khoảng 500 triệu yen vào năm 2022, gấp 5,6 lần so với năm 2017.

Một thùng phở gà Cung Đình được một cửa hàng thực phẩm ghi giá bán 2.380 yen/thùng (khoảng 399.000 đồng). (Ảnh: Phạm Tuân/TTXVN)

Một thùng phở gà Cung Đình được một cửa hàng thực phẩm ghi giá bán 2.380 yen/thùng (khoảng 399.000 đồng). (Ảnh: Phạm Tuân/TTXVN)

Acecook ban đầu nhắm đến việc bán hàng cho người Việt Nam sống ở Nhật Bản, nhưng người tiêu dùng Nhật Bản cũng bắt đầu mua hàng. Đến năm 2022, doanh thu hằng năm đã tăng gấp ba lần. Gần đây, công ty nhận được nhiều yêu cầu từ các cửa hàng thực phẩm nhập khẩu lớn.

Chị Đỗ Thị Thương, một chủ cửa hàng thực phẩm châu Á tại phố Okubo, chia sẻ khách hàng mua mỳ ăn liền Việt Nam là những người Việt sinh sống tại Nhật Bản và những người Nhật Bản có chồng hoặc vợ là người Việt Nam.

Theo chị, hai loại mỳ được ưa chuộng nhất là mỳ Hảo Hảo và mỳ Omachi, trong đó đặc biệt là mỳ Hảo Hảo. Mỳ Hảo Hảo được nhiều khách hàng Nhật Bản chọn mua nhất không chỉ vì hương vị của loại mỳ này mà còn là vì khách hàng Nhật thích gói gia vị trong mỳ Hảo Hảo. Ngoài ra, mỳ Hảo Hảo đã từng được giới thiệu trong một bản tin thời sự của truyền hình Nhật Bản nên còn được gọi là “mỳ quốc dân," có độ nhận diện sản phẩm tại Nhật Bản cao hơn so với các thương hiệu mỳ ăn liền khác của Việt Nam.

Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh, cho biết trong thời gian qua, các công ty của Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam khai thác thị trường thực phẩm tại Việt Nam và các sản phẩm đó đã trở thành những sản phẩm quen thuộc đối với người tiêu dùng Việt Nam. Gần đây, số lượng người Việt Nam sang sinh sống tại Nhật Bản gia tăng, hiện vào khoảng 500.000 người.

Đi theo cộng đồng người Việt, các sản phẩm mỳ ăn liền tại Việt Nam vào Nhật Bản theo con đường không chính thức. Tuy nhiên, đến giai đoạn dịch COVID-19, mỳ ăn liền không thể đi theo con đường không chính thức này để vào Nhật Bản.

Cùng với việc gia tăng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng nhập khẩu, những sản phẩm mỳ ăn liền do các tập đoàn Nhật Bản đầu tư sản xuất tại Việt Nam đã được nhập khẩu ngược trở lại thị trường Nhật Bản, trước hết phục vụ cho người Việt Nam sinh sống tại Nhật Bản. Điều này cũng đồng thời làm cho các sản phẩm Việt Nam ngày càng trở nên phổ biến với người Nhật Bản.

Văn hóa của Việt Nam cũng như món ăn của Việt Nam càng ngày càng thâm nhập sâu vào thị trường Nhật Bản. Người Nhật cũng muốn đa dạng thực đơn, thay đổi khẩu vị thường xuyên của mình, không chỉ giới hạn ở món ăn Nhật mà họ muốn mở rộng sang các món ăn của nhiều nước khác trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, thói quen tiêu dùng của người Nhật Bản là thường sử dụng các món ăn tiện lợi cho các bữa ăn sáng hoặc là những bữa ăn nhanh. mỳ ăn liền Việt Nam là một trong những lựa chọn này. Các loại mỳ ăn liền như mỳ Hảo Hảo, mỳ ăn liền hương vị tôm được nhiều người Nhật ưa chuộng.

Cùng với hoạt động quảng bá tích cực của Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản trong năm qua, ngày càng có nhiều người Nhật Bản biết đến các sản phẩm của Việt Nam cũng như biết đến chất lượng sản phẩm của Việt Nam đã định vị tại Nhật Bản, thúc đẩy người tiêu dùng Nhật Bản quan tâm và thưởng thức món ăn Việt Nam.

Theo ông Tạ Đức Minh, người Nhật Bản khá ưa chuộng ẩm thực Việt Nam vì vậy mỳ ăn liền của Việt Nam cũng là một cách để họ có thể thưởng thức những hương vị của Việt Nam theo cách tiện lợi nhất.

Theo ước tính của Hiệp hội mỳ ăn liền thế giới, đại dịch COVID-19 hạn chế đi ăn ngoài đã đẩy nhu cầu mỳ ăn liền toàn cầu lên mức kỷ lục 121,2 tỷ khẩu phần vào năm 2022, tăng 2,6% so với năm 2021.

Mỳ Cung Đình - thương hiệu mỳ ăn liền Việt Nam được ưa chuộng tại Nhật Bản. (Ảnh: Phạm Tuân/TTXVN)
Mỳ Cung Đình - thương hiệu mỳ ăn liền Việt Nam được ưa chuộng tại Nhật Bản. (Ảnh: Phạm Tuân/TTXVN)

Thị trường Trung Quốc-Hongkong vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong ước tính năm 2022 của hiệp hội, tiếp theo là Indonesia, Việt Nam, Ấn Độ và Nhật Bản.

Thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản cho thấy nhập khẩu mỳ ăn liền của nước này từ các khu vực khác ở châu Á đạt khoảng 8,6 tỷ yen (khoảng 57,6 triệu USD) vào năm 2022, gấp 3,1 lần con số năm 2017.

Mỳ ăn liền, một loại thực phẩm ăn nhanh toàn cầu ra đời ở Nhật Bản cách đây hơn 6 thập kỷ, đang trở lại thị trường nội địa dưới dạng hàng nhập khẩu và được người tiêu dùng Nhật Bản yêu thích. Ngày càng có nhiều thương hiệu mỳ ăn liền nổi tiếng sản xuất ở nước ngoài, trong đó đặc biệt là các loại mỳ ăn liền sản xuất tại Việt Nam, xuất hiện tại các cửa hàng thực phẩm lớn ở Nhật Bản.

Giờ đây, thật dễ dàng khi tìm mua mỳ tôm Hảo Hảo, mỳ Omachi, mỳ Cung Đình… tại Nhật Bản vì hầu như cửa hàng thực phẩm châu Á nào cũng có và luôn được trưng bày ở những khu vực tiện lợi nhất cho khách mua hàng.

Có thể bạn quan tâm