Chính phủ Mỹ hôm 22-5 thông báo sẽ bổ sung 33 công ty, tổ chức Trung Quốc vào danh sách đen kinh tế.
Lý do được Washington đưa ra là những công ty, tổ chức trên đã giúp Bắc Kinh theo dõi người Duy Ngô Nhĩ hoặc liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt và quân đội Trung Quốc.
Động thái của Bộ Thương mại Mỹ đánh dấu nỗ lực mới nhất của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc trừng phạt những công ty có thể hỗ trợ hoạt động quân sự của Trung Quốc và gây sức ép lên Bắc Kinh trong vấn đề người Duy Ngô Nhĩ, chủ yếu sống ở khu tự trị Tân Cương.
Những công ty bị bổ sung vào danh sách đen đều hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và nhận biết khuôn mặt. Đây là những lĩnh vực đang được các hãng chip Mỹ, như Nvidia Corp và Intel Corp, đầu tư mạnh mẽ.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết động thái trên còn nhằm hạn chế việc bán hàng hóa Mỹ và một số sản phẩm được làm ở nước ngoài bằng công nghệ Mỹ cho các công ty có tên trong danh sách đen.
Mỹ bổ sung 33 công ty Trung Quốc vào danh sách đen. Ảnh: Reuters
Hồi tháng 10-2019, bộ thương mại cũng có quyết định tương tự khi thêm một số công ty an ninh công cộng Trung Quốc, trong đó có cả một số công ty khởi nghiệp hàng đầu về trí tuệ nhân tạo, vào danh sách đen kinh tế.
Ngoài ra, Washington còn có những bước đi nhằm hạn chế tầm ảnh hưởng của Tập đoàn Công nghệ Huawei vì lý do an ninh quốc gia.
Cũng trong ngày 22-5, Bộ Giao thông Mỹ cáo buộc Bắc Kinh ngăn không cho các hãng hàng không Mỹ nối lại hoạt động tại Trung Quốc. Để đáp trả, Washington yêu cầu các hãng hàng không Trung Quốc nộp lịch trình các chuyến bay cho chính phủ Mỹ trước ngày 27-5.
Chính quyền Tổng thống Trump hiện chưa áp dụng những hạn chế nhằm vào các hãng hàng không Trung Quốc nhưng cho biết vẫn chưa có thỏa thuận nào đạt được trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc.
Bộ Giao thông Mỹ gọi đây là tình huống "nghiêm trọng" vì hai hãng Delta Air Lines và United Airlines muốn nối lại các chuyến bay đến Trung Quốc vào tháng 6.
Trong khi đó, các hãng hàng không Trung Quốc vẫn được thực hiện các chuyến bay đến Mỹ trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành.
Bảo Hạnh (NLĐO/Theo Reuters)