Xã hội

Năm 2022, Gia Lai phấn đấu tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 45%

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Kế hoạch phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng năm 2022.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) theo hướng dẫn của Trung ương; ban hành các văn bản liên quan đến quản lý, sử dụng các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh. 
Tiếp tục triển khai kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh Gia Lai (phiên bản 2.0). Triển khai tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh qua nền tảng LGSP và kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia, Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) để kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của tỉnh với các cơ sở dữ liệu quốc gia, liên thông các lĩnh vực trong thực hiện thủ tục hành chính theo lộ trình và hướng dẫn của các bộ, ngành. Duy trì mạng diện rộng của tỉnh (WAN), sử dụng Mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng, Nhà nước làm hạ tầng truyền dẫn căn bản trong kết nối các hệ thống thông tin Chính quyền điện tử và liên thông, chia sẻ dữ liệu. Đảm bảo 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp xã kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Đoàn nghiên cứu của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh kiểm tra việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tại xã Đak Tơ Ve (huyện Chư Păh). Ảnh: Phan Lài
Đoàn nghiên cứu của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh kiểm tra việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tại xã Đak Tơ Ve (huyện Chư Păh). Ảnh: Phan Lài
100% dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đủ điều kiện được cung cấp ở mức độ 4; cung cấp, tích hợp tất cả DVCTT của các sở, ngành, địa phương trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh và tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đảm bảo theo yêu cầu của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện thông qua hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh. 
Tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ đạt 45%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến (hồ sơ trực tuyến) đạt 50%; tỷ lệ DVCTT đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng đạt 10%; tỷ lệ thống kê, báo cáo thực hiện trực tuyến đạt 50%; tỷ lệ cơ quan nhà nước thuộc tỉnh cung cấp dữ liệu mở đầy đủ theo danh mục (dự kiến Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3-2022) đạt 30%. 
50% cơ quan nhà nước thuộc tỉnh tham gia mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở; số hóa hồ sơ, tài liệu có giá trị vĩnh viễn từ các cơ quan, tổ chức trước khi bàn giao về Trung tâm lưu trữ lịch sử tỉnh. 
Đảm bảo 20% số lượng người dân, doanh nghiệp tham gia hệ thống thông tin Chính quyền điện tử được xác thực định danh điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả hệ thống thông tin của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. 
Cổng Dịch vụ công trực tuyến tỉnh Gia Lai cung cấp giao diện cho các thiết bị di động; 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; 100% cơ quan nhà nước công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% dịch vụ công trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử; 50% thông tin của người dân được tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến; 80% dịch vụ công trực tuyến (về lĩnh vực đăng ký doanh nghiệp) sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (theo kế hoạch kết nối, chia sẻ dữ liệu của Trung ương); các dịch vụ công trực tuyến tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia đảm bảo tỷ lệ tối thiểu theo yêu cầu của Chính phủ. 
Tất cả phần mềm quản lý văn bản và điều hành của các sở, ban, ngành, địa phương được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản của tỉnh để kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử; 97% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử; tối thiểu 97% hồ sơ công việc tại các cơ quan cấp tỉnh, 85% hồ sơ công việc tại các cơ quan cấp huyện và 65% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật). 
Đảm bảo 100% cổng/trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành, địa phương công khai thông tin đầy đủ theo các quy định của pháp luật và công khai tiến độ, kết quả xử lý hồ sơ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết. 
100% báo cáo định kỳ (không bao gồm nội dung mật) theo quy định của Trung ương được gửi, nhận qua Hệ thống thông tin báo cáo của tỉnh và quốc gia (theo kế hoạch triển khai của Trung ương). 
Ứng dụng CNTT để giảm thời gian họp, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy trong hội họp, thông qua việc sử dụng, gửi, nhận tài liệu qua hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của tỉnh (eCabinet), hệ thống Quản lý văn bản và điều hành và các hệ thống thông tin điện tử phục vụ công việc. 
Bảo đảm an toàn thông tin trong hoạt động ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số tại các cơ quan, đơn vị; tất cả các hệ thống CNTT dùng chung quan trọng của tỉnh được giám sát an toàn thông tin thường xuyên, liên tục và chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. 
Kế hoạch cũng xác định 13 nhiệm vụ, 6 giải pháp cụ thể nhằm triển khai hiệu quả những mục tiêu đề ra.
KIỀU PHAN

Có thể bạn quan tâm