Năm học mới nhiều vấn đề cần giải quyết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Bước vào năm học mới 2018-2019, nhiều nhiệm vụ quan trọng được đặt ra nhằm đạt đến mục tiêu giáo dục toàn diện.

Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)

Trước đó, tại hội nghị tổng kết năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cùng các địa phương đã đánh giá kết quả đạt được và chỉ ra những hạn chế của năm học 2017-2018, đề ra phương hướng cho năm học mới. Tuy nhiên, trong chỉ thị nhiệm vụ năm học 2018-2019, Bộ GD-ĐT lại không nhấn mạnh đến những vấn đề nóng đang được cả xã hội quan tâm. Những vấn đề này hiện đang là điểm nghẽn làm cản trở sự phát triển của sự nghiệp giáo dục. Đó là nạn bạo lực học đường mà năm qua báo chí đã phản ánh khá nhiều, nào là học sinh đánh nhau, phụ huynh hành hung giáo viên ngay cả tại trường học, trò đâm thầy… Tình trạng này xảy ra với tần suất ngày càng dày chứ không còn là hiện tượng cá biệt, phá vỡ các quy tắc đạo đức và văn hóa học đường mà chúng ta đã dày công vun đắp khiến xã hội bất an. Nếu không có những giải pháp mạnh và sự quan tâm thường xuyên của các cấp, các ngành thì rất khó để chấn chỉnh, lập lại trật tự trong các trường học hiện nay.

Một điểm nóng khác là những tiêu cực tại kỳ thi THPT Quốc gia mới đây liên quan đến hàng loạt cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên nhiều tỉnh. Tất nhiên, những kẽ hở trong thi cử lần này Bộ GD-ĐT đã nhìn thấy và nhận trách nhiệm về mình. Nhưng việc khắc phục những điểm yếu đó không chỉ nằm ở các biện pháp kỹ thuật mà ở chính đạo đức và phẩm chất của người thầy. Vì thế, không thể hô hào theo kiểu phong trào trước đây: “Mỗi thầy-cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” mà phải có sự kiểm tra, sàng lọc một cách nghiêm túc, đồng thời đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng sư phạm đúng chuẩn thì mới có thể xây dựng được đội ngũ giáo viên như mong muốn.

Trước khi năm học mới bắt đầu, nhiều địa phương đã lo sắp xếp lại đội ngũ giáo viên các cấp. Tuy vậy vẫn xảy ra tình trạng nơi thừa, nơi thiếu. Bên cạnh đó, cách làm của mỗi nơi mỗi khác, như cắt hợp đồng giáo viên đang giảng dạy vì thừa; có địa phương vội vàng bố trí giáo viên thừa ở cấp trên xuống dạy cấp dưới… làm đảo lộn trật tự và gây hoang mang cho đội ngũ giáo viên. Nơi thiếu giáo viên thì đang lúng túng: nếu tuyển dụng mới thì đụng vào biên chế, nếu hợp đồng thì phụ thuộc vào nguồn lực ngân sách… Điều đó tuy ngoài tầm tay nhưng Bộ GD-ĐT cần thể hiện trách nhiệm quản lý ngành của mình. Bộ có thể can thiệp ở tầm vĩ mô để có chính sách phù hợp, đồng thời trực tiếp làm việc với các địa phương tìm ra giải pháp phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục, đồng thời bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà giáo.

Ngoài những vấn đề trên, ngành GD-ĐT cũng đang đứng trước một số vấn đề cần được giải quyết một cách minh bạch, như việc thiếu sách giáo khoa cho học sinh đầu cấp Tiểu học có phải do nạn độc quyền xuất bản sách giáo khoa hay không? Vấn đề lạm thu cũng cần quan tâm khi nhiều nơi kêu ca với những khoản đóng góp đầu năm. Chúng ta cần có một chính sách nhất quán, không thể để các địa phương, các trường học tự đặt ra những khoản thu vô lý gây bất bình cho phụ huynh. Trong nội bộ ngành nên kiểm tra, chấn chỉnh việc học 2 buổi/ngày ở Tiểu học đi vào nền nếp, đúng với yêu cầu giãn bớt thời gian học và tăng cường các hoạt động giáo dục nhằm giảm sự nặng nề của chương trình học. Sắp xếp lại thời khóa biểu để cho học sinh và giáo viên THCS, THPT được nghỉ học ngày thứ bảy trong tuần; cân nhắc có nên bỏ việc kiểm tra trắc nghiệm ở học sinh Tiểu học và THCS… cũng là những vấn đề cần nghiên cứu để áp dụng ngay từ năm học này.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm