Kinh tế

Nông nghiệp

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trên cơ sở kết quả đạt được, tỉnh Gia Lai đang tập trung đầu tư để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ (KH-CN) trong thời gian tới.

Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1-11-2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển KH-CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Gia Lai đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận.

Những thành tựu đáng ghi nhận

Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, hoạt động KH-CN của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đến nay, tỉnh đã triển khai 94 nhiệm vụ KH-CN với tổng kinh phí hơn 125,675 tỷ đồng (nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học hơn 98,995 tỷ đồng, nguồn khác hơn 26,68 tỷ đồng). Trong số này, 85 nhiệm vụ đã được tổ chức nghiệm thu.

Các đề tài, dự án KH-CN đã được các ngành, địa phương, doanh nghiệp ứng dụng, nhân rộng trong sản xuất. Trong đó, ngành Nông nghiệp và PTNT có 37 nhiệm vụ được triển khai với tổng kinh phí đầu tư hơn 71,371 tỷ đồng. Nhiều đề tài khoa học được nghiên cứu thành công và đưa vào thực tế như: lúa lai 2 dòng, nhân giống bằng phương pháp invitro, cây dược liệu bản địa, các giống lúa cạn; các giải pháp trồng rừng tại lòng hồ nhằm tận dụng diện tích bán ngập và giải quyết tình trạng sụt lở, đảm bảo môi trường và an toàn hồ đập; phát triển cây dược liệu sa nhân tím, sâm đá, hoàng đằng...; gây trồng và phát triển một số loại nấm linh chi, lan kim tuyến, đẳng sâm, đinh lăng, thất diệp nhất chi hoa...

Gia Lai đang nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ để áp dụng vào các lĩnh vực sản xuất, đời sống. Ảnh: H.D

Gia Lai đang nỗ lực nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động khoa học và công nghệ để áp dụng vào các lĩnh vực sản xuất, đời sống. Ảnh: H.D

Bên cạnh đó, cơ cấu cây trồng, vật nuôi cũng được chuyển dịch theo hướng đáp ứng nhu cầu thị trường; sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ...; áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước; đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao, khả năng kháng bệnh vào sản xuất; áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất...

Ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Gia Lai đã hình thành các vùng quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu lâm nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông-lâm nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác nhằm nâng cao hiệu quả, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản và bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 255.448,4 ha cây trồng các loại sản xuất theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO... (chiếm 43,1% tổng diện tích gieo trồng); có 12 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Đối với hoạt động sơ chế, chế biến nông-lâm-thủy sản, toàn tỉnh có 19 cơ sở được chứng nhận ISO 22.000; 20 cơ sở được chứng nhận HACCP; 4 cơ sở được chứng nhận theo các tiêu chuẩn tương đương; 7 cơ sở được chứng nhận Halal...

Trong 5 năm gần đây, Gia Lai cũng chú ý xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nghiệp KH-CN. Toàn tỉnh hiện có 5 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận KH-CN. Ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-cho hay: “Để định vị thương hiệu trên thị trường cũng như vươn ra thế giới, doanh nghiệp phải có trách nhiệm giúp người dân thay đổi tập quán canh tác. Đồng thời, doanh nghiệp phải ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để đáp ứng được các tiêu chuẩn của quốc tế”.

Tiếp tục nâng cao hàm lượng KH-CN

Thời gian qua, để nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm nông sản của tỉnh, Sở KH-CN đã tích cực hướng dẫn các địa phương phối hợp với đơn vị tư vấn tạo lập, đăng ký, bảo hộ và phát triển các nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý liên quan đến các sản phẩm thế mạnh, các đặc sản địa phương như: gạo Phú Thiện, rau An Khê, thuốc lá lá Krông Pa, rau An Sơn-Đak Pơ, chôm chôm Ia Grai, khoai lang Lệ Cần-Đak Đoa, phở khô Gia Lai, gạo Ba Chăm-Mang Yang, gạo Chư Prông...

Ông Nguyễn Nam Hải-Giám đốc Sở KH-CN-cho biết: “Trên địa bàn tỉnh hiện có 521 nhãn hiệu thông thường của tổ chức, cá nhân được cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; 18 văn bằng bảo hộ kiểu dáng công nghiệp; 5 văn bằng sáng chế/giải pháp hữu ích; 6 nhãn hiệu chứng nhận được cấp văn bằng bảo hộ và 3 nhãn hiệu chứng nhận có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ; 2 chỉ dẫn địa lý. Số văn bằng bảo hộ được cấp của tỉnh năm sau cao hơn năm trước, trung bình tăng khoảng 5-10%/năm, đặc biệt các năm 2018-2020 tăng 50-60%”.

Cà chua được trồng tại Khu thực nghiệm khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ). Ảnh: Hà Duy

Cà chua được trồng tại Khu thực nghiệm khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ). Ảnh: Hà Duy

Sau hơn 12 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, công tác quản lý nhà nước về KH-CN trên địa bàn tỉnh từng bước được đổi mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng, hiệu quả nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng KH-CN vào sản xuất và đời sống.

Tỉnh ta xác định tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo các ngành, các cấp, nhằm tạo ra kết quả nghiên cứu, ứng dụng có chất lượng; chủ động tiếp cận với những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Theo đó, một số chỉ tiêu đặt ra đến năm 2025 được tỉnh đặt ra như: đóng góp của KH-CN thông qua năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) chiếm khoảng 40-43% tăng trưởng kinh tế của tỉnh; có thêm 10-15 doanh nghiệp KH-CN; doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo chiếm từ 70% trở lên trong tổng số doanh nghiệp KH-CN; tối thiểu 60% sản phẩm của tỉnh được đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ; 100% kết quả nghiên cứu và triển khai của các nhiệm vụ KH-CN cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp cơ sở được tổ chức chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống; có tối thiểu 30 mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN vào vùng nông thôn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có từ 10% trở lên mô hình liên kết theo chuỗi giá trị hàng hóa, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận.

Để đạt được các mục tiêu đó, 5 giải pháp được tỉnh tập trung triển khai gồm: phát triển tiềm lực KH-CN; đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của các sản phẩm; nâng cao khả năng tiếp nhận, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tăng cường hoạt động nghiên cứu KH-CN, đổi mới công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; phát triển thị trường KH-CN, thông tin KH-CN, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ và tăng cường liên kết, hợp tác và hội nhập.

Có thể bạn quan tâm