Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Nâng cao chất lượng tuyên truyền lưu động ở cơ sở: Vấn đề bức thiết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trước nhu cầu thưởng thức văn hóa-văn nghệ ngày càng cao của người dân, đội ngũ làm công tác tuyên truyền lưu động ở cơ sở đã không ngừng đổi mới, nâng cao kiến thức, kỹ năng từ việc tổ chức chương trình đến biên soạn kịch bản để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ được giao.
Đó là lý do Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San phối hợp với Trung tâm Văn hóa TP. Hồ Chí Minh mở lớp bồi dưỡng kiến thức biên kịch và dàn dựng chương trình tuyên truyền lưu động cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các Phòng Văn hóa-Thông tin, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh. Lớp tập huấn vừa diễn ra tại TP. Pleiku dưới sự dẫn dắt của Thạc sĩ Hoàng Duẩn-giảng viên bộ môn Tổ chức sự kiện (Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh).
Tại đây, hơn 50 học viên được hướng dẫn phương pháp xây dựng kế hoạch, viết kịch bản và kỹ năng tổ chức các hoạt động tại cơ sở như: hội diễn, hội thi, lễ kỷ niệm…; cách tổ chức các hoạt động văn nghệ quần chúng tại cơ sở phù hợp với nội dung, chủ đề của từng đợt tuyên truyền. Nội dung đặc biệt thu hút học viên là kỹ thuật viết kịch bản cho kịch thông tin. Từ việc lên ý tưởng, chọn chủ đề đến dẫn chuyện, cách tạo nút thắt, cao trào, mở nút thắt, cách sử dụng ngôn ngữ, tạo tình huống… đều được truyền tải chi tiết, cụ thể. Các học viên còn được tìm hiểu cách thức đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào vở kịch sao cho khéo léo, mềm mại, gần gũi và dễ hiểu.
Ban tổ chức trao giấy chứng nhận cho các học viên hoàn thành lớp tập huấn về biên kịch, dàn dựng chương trình tuyên truyền lưu động. Ảnh: PHƯƠNG VI
Ban tổ chức trao giấy chứng nhận cho các học viên hoàn thành lớp tập huấn về biên kịch, dàn dựng chương trình tuyên truyền lưu động. Ảnh: Phương Vi
Tuyên truyền lưu động ở cơ sở là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Văn hóa-Thông tin. Bằng hình thức tuyên truyền phong phú từ xe loa phát thanh, pa nô, áp phích đến văn nghệ, kịch nói, đội ngũ làm công tác tuyên truyền lưu động đã chuyển tải nội dung của các nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật đến gần hơn với quần chúng nhân dân. Tuy nhiên, thời gian qua, phần lớn đội ngũ này đều phải tự mày mò, lên ý tưởng, xây dựng chương trình nên chất lượng tuyên truyền chưa cao. Vì thế, lớp bồi dưỡng đã giúp các học viên có được nền tảng kiến thức tốt hơn để phục vụ yêu cầu công việc.
Ông Trần Văn Trầm-Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Chư Sê-bày tỏ: “Lớp bồi dưỡng này rất có ích đối với đội ngũ làm công tác tuyên truyền lưu động ở cơ sở. Qua đây, chúng tôi được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng tổ chức, dàn dựng một chương trình sao cho phù hợp với từng thời điểm, sự kiện cũng như đối tượng tuyên truyền. Hy vọng thời gian tới, chúng tôi sẽ có thêm nhiều cơ hội để tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ cho công việc”.
Còn chị Bùi Thị Bích Nguyệt-cán bộ Phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị (Công an tỉnh) cho biết sẽ đem kiến thức, kỹ năng được học truyền đạt lại cho các thành viên trong đội tuyên truyền lưu động nhằm đổi mới phương pháp, cách thức tổ chức các chương trình ở cơ sở.
 Quang cảnh lớp tập huấn. Ảnh: PHƯƠNG VI
Quang cảnh lớp tập huấn. Ảnh: Phương Vi
Ông Nguyễn Ngọc Long-Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San-cho hay: Tuyên truyền lưu động đóng vai trò rất quan trọng trong công tác chuyển tải thông tin đến công chúng, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Thông qua phương thức tuyên truyền miệng, cổ động trực quan, văn nghệ cổ động và kịch thông tin, đội ngũ tuyên truyền lưu động ở cơ sở đã đem đến cho công chúng những thông tin chính thống, thiết thực về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; các chính sách dân tộc, tôn giáo; phong trào xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn hóa, an toàn giao thông, sức khỏe sinh sản; phòng-chống ma túy… Vì vậy, lớp bồi dưỡng được tổ chức nhằm cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng cho những người làm tuyên truyền lưu động, góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền ở cơ sở.
PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm