Nhọc nhằn nghề tuyên truyền lưu động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đi sớm, về muộn, điều kiện biểu diễn thiếu thốn là điều mà các thành viên của Đội Tuyên truyền Lưu động (Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh và Du lịch Gia Lai) thường xuyên trải qua mỗi khi xuống phục vụ cơ sở. Vậy nhưng, với bầu nhiệt huyết, niềm đam mê vẫn luôn cuộn chảy trong tim, họ đã vượt qua tất cả để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

14 giờ ngày 24-8, 14 thành viên của Đội Tuyên truyền Lưu động (Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh và Du lịch Gia Lai) bắt đầu sắp xếp đồ đạc lên chiếc xe tải chuyên dụng để đến làng Hreng (xã Hoà Phú, huyện Chư Pah). Đây cũng là đêm diễn cuối cùng trong chuỗi 6 buổi tuyên truyền phòng-chống bạo lực gia đình trên địa bàn huyện Chư Pah. Con đường đất dẫn vào làng sau cơn mưa nhỏ đã bắt đầu lầy lội khiến hành trình có lúc bị gián đoạn. Sân khấu được đặt tại ngã tư của làng Hreng. Hệ thống âm thanh, ánh sáng cũng nhanh chóng được lắp ráp, sẵn sàng cho một đêm biểu diễn phục vụ dân làng. Sau khi hoàn tất khâu chuẩn bị, các thành viên trong đoàn đến từng nhà để vận động người dân đến xem chương trình văn nghệ do đội biểu diễn. 

 

Một tiết mục biểu diễn của Đội Tuyên truyền Lưu động.                                Ảnh: P.L
Một tiết mục biểu diễn của Đội Tuyên truyền Lưu động. Ảnh: P.L

Khoảng 17 giờ, mọi người sửa soạn cho bữa cơm chiều. Đó là những phần cơm được mua ở một một quán cơm bình dân với thịt kho cải chua, canh, rau sống... Quây quần phía sau sân khấu, mọi người vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả mặc cho đã có vài hạt mưa lác đác rơi lẫn vào các món ăn trên bàn. Cơm nước xong, anh chị em diễn viên chuẩn bị trang phục biểu diễn. Ca bin xe tải trở thành phòng trang điểm của họ. Chị Nguyễn Diễm My-thành viên Đội Tuyên truyền Lưu động (Trung tâm Văn hóa-Điện ảnh và Du lịch Gia Lai), chia sẻ: “Chúng tôi buộc phải tự thích nghi với mọi điều kiện cho dù có khó khăn, thiếu thốn đến đâu. Có những hôm cả đoàn gần 10 người phải chen chúc nhau ngồi trong ca bin đi đến tận các xã Ia Lâu, Ia Mơr (huyện Chư Prông). Khi đến nơi, ai cũng ê ẩm, mệt mỏi phần vì chỗ ngồi chật chội, phần vì đường quá xấu. Thế nhưng mọi người vẫn phải lấy lại tinh thần để chuẩn bị cho đêm diễn thật tốt”.

Khoảng 20 giờ, khi hàng trăm người dân của làng Hreng và các làng lân cận đã ngồi kín phía trước sân khấu, đêm diễn chính thức bắt đầu. Chỉ vỏn vẹn 7 thành viên trực tiếp tham gia biểu diễn nhưng chương trình vẫn đầy đủ tiết mục: đơn ca, song ca, tốp ca, múa. Đêm diễn thiếu đi phần hài kịch-xương sống của buổi tuyên truyền-bởi diễn viên chính không may bị tai nạn trước giờ lên sân khấu. Chị Nguyễn Thùy Dương-phụ trách đội, cho hay: “Ngoài biểu diễn phục vụ đời sống văn hóa tinh thần, chúng tôi còn là những tuyên truyền viên phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thông qua lời ca tiếng hát, hình ảnh trực quan, sinh động và các tiết mục hài kịch. Biên chế của đội khá ít nên mỗi thành viên phải đảm nhận nhiều phần việc khác nhau. Trung bình mỗi người phải tham gia 5-6 tiết mục trong suốt đêm diễn”. Cứ như vậy, mỗi khi một tiết mục vừa kết thúc, các diễn viên lại vội vàng lui về phía sau sân khấu để chuẩn bị cho phần diễn sau đó của mình.

Vất vả, khó khăn là thế nhưng mức chi bồi dưỡng lại khá ít ỏi. Mặc dù Bộ Tài chính và Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư liên tịch số 46/2016/TTLT-BTC-BVHTTDL quy định mức chi bồi dưỡng cho các vai diễn trong buổi diễn lưu động là 100.000 đồng/vai chính/buổi và 80.000 đồng/vai phụ/buổi nhưng mọi người vẫn chỉ hưởng theo mức chi của Thông tư liên tịch 181/2011/TTLT-BTC-BVHTTDL với mức 65.000 đồng/vai chính/buổi và 50.000 đồng/vai phụ/buổi. “Điều khiến chúng tôi gắn bó với nghề chính là nhiệt huyết, đam mê được cống hiến. Hơn nữa, được nhìn thấy những tràng vỗ tay, nụ cười, ánh mắt chăm chú theo dõi từ đầu đến cuối buổi bất kể trời mưa gió của bà con cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục đến với buôn làng dù điều kiện có khó khăn, vất vả đến đâu chăng nữa”-chị Thùy Dương xúc động chia sẻ.

Sau khi tiết mục văn nghệ cuối cùng kết thúc cũng là lúc trời bắt đầu lắc rắc mưa. Dân làng lục tục kéo nhau đứng dậy, ai về nhà nấy. Mọi người trong đội nhanh tay dọn dẹp, sắp xếp lại đồ đạc, lên xe và ra về. Làng Hreng chỉ cách TP. Pleiku chừng 30 km nên mọi người được về nhà sớm hơn mọi khi. Ngày mai lại là một hành trình khác.

Phương Linh

Có thể bạn quan tâm