Nâng cao chỉ số đào tạo lao động tỉnh Gia Lai: Cần giải pháp căn cơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ năm 2018 đến nay, chỉ số đào tạo lao động của tỉnh Gia Lai chỉ đạt 5,01 điểm, giảm 0,55 điểm, đứng thứ 61/63 tỉnh, thành, giảm 9 bậc so với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tỉnh đang phấn đấu đến cuối năm 2019 nâng chỉ số đào tạo lao động lên 5,7 điểm và cao hơn trong những năm tiếp theo. Vậy đâu là giải pháp?
Còn nhiều tồn tại 
Theo đánh giá của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tại hội nghị triển khai nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019, chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện, nguồn lao động trong độ tuổi lao động khá dồi dào nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cơ cấu lao động của tỉnh chủ yếu là lao động nông nghiệp, ý thức kỷ luật chưa cao, thiếu kỹ năng mềm. Do vậy, nguồn lao động của tỉnh khó cạnh tranh trên thị trường. 
Cho biết thêm một số nguyên nhân khác, ông Lê Văn Thành-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội-chia sẻ: Một số cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh vẫn còn yếu về điều kiện hoạt động, trong đó có cơ sở vật chất. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh là đơn vị có nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm của ngành nhưng nhân lực còn thiếu và yếu dẫn đến việc thu thập thông tin về vị trí việc làm còn hạn chế; việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp đăng ký, tham gia tuyển dụng lao động, kết nối việc làm đã triển khai lâu nay nhưng doanh nghiệp tham gia còn ít. Công tác đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Cùng với đó, ngành nghề đào tạo của các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh chưa đa dạng, chủ yếu phát triển mạnh khối kỹ thuật, công nghệ; khối dịch vụ, nông-lâm còn thưa thớt.
 Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai đặt mục tiêu góp phần cải thiện điểm chỉ tiêu lao động qua đào tạo đang làm việc tại các doanh nghiệp. Ảnh: ĐỨC THỤY
Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai đặt mục tiêu góp phần cải thiện điểm chỉ tiêu lao động qua đào tạo đang làm việc tại các doanh nghiệp. Ảnh: ĐỨC THỤY
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Để cải thiện chỉ số đào tạo lao động, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đang phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, cơ sở đào tạo nghề tập trung thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp.  
Là đơn vị góp phần nâng điểm chỉ tiêu doanh nghiệp đánh giá giáo dục phổ thông có chất lượng tốt, ông Lê Công Sự-chuyên viên Sở Giáo dục và Đào tạo-cho biết: Hàng năm, Sở phối hợp với các đơn vị, cơ sở đào tạo nghề tổ chức phân luồng học sinh THCS và THPT vào học hệ trung cấp, cao đẳng. Nhờ làm tốt việc này, 2 năm qua, công tác đào tạo nghề trong tỉnh đã có những hiệu quả bước đầu. Cùng với đó, ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đang thực hiện đề án khởi nghiệp, giúp học sinh định hướng chuẩn về năng lực, sở trường để chọn nghề nghiệp tương lai.
“Trước mắt, để nâng điểm chỉ tiêu doanh nghiệp đánh giá giáo dục phổ thông có chất lượng tốt, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng kế hoạch thực hiện mục tiêu giáo dục học sinh phát triển toàn diện, trong đó chú trọng hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học và rèn luyện kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết những vấn đề thực tiễn; tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện đề án phân luồng học sinh trên địa bàn tỉnh”-ông Sự nói.
Về nâng điểm chỉ tiêu doanh nghiệp sử dụng dịch vụ giới thiệu việc làm và tỷ lệ lao động qua đào tạo đang làm việc tại các doanh nghiệp, ông Trần Thanh Hải-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh nêu giải pháp: Trung tâm tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động và cung ứng lao động cho doanh nghiệp. Phát triển mạng lưới thị trường lao động từ tỉnh đến huyện. Tích cực liên hệ, phối hợp với các doanh nghiệp, các trường trung cấp, cao đẳng nghề, cơ sở đào tạo nghề, các tổ chức, đoàn thể trên địa bàn tỉnh tư vấn, định hướng kỹ năng mềm cho lao động sau đào tạo. Thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường lao động, xuất khẩu lao động và chính sách về lao động, việc làm trên trang web của Trung tâm và qua kênh tuyên truyền báo, đài. Duy trì hiệu quả sàn giao dịch việc làm định kỳ vào ngày 10 hàng tháng và các phiên giao dịch việc làm ở cơ sở.
Còn với yêu cầu nâng điểm chỉ tiêu lao động qua đào tạo trên tổng lực lượng lao động và tỷ lệ lao động qua đào tạo trên số lao động chưa qua đào tạo, ông Nguyễn Minh Nhựt-Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Gia Lai-cho biết: 2 năm học qua, nhà trường thực hiện khá hiệu quả công tác tuyển sinh và tiếp xúc doanh nghiệp. Với giải pháp đào tạo nghề gắn với việc làm, trường đặc biệt coi trọng công tác phối hợp, ký kết đào tạo nghề cho các hội, đoàn thể, doanh nghiệp. Thời gian tới, nhà trường phấn đấu góp phần cùng tỉnh cải thiện điểm chỉ tiêu lao động qua đào tạo đang làm việc tại các doanh nghiệp và tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề.
Ông Lê Văn Thành cũng khẳng định: Với nhiệm vụ được giao, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục điều chỉnh cơ cấu ngành, nghề chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và xu thế phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nhu cầu xã hội; tổ chức hiệu quả hoạt động của sàn giao dịch việc làm; đưa thông tin thị trường lao động đến đối tượng có nhu cầu, tạo cơ hội cho người lao động có lựa chọn ngành nghề phù hợp.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm