Kinh tế

Doanh nghiệp

Nâng cao lợi nhuận cho người trồng mía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- So với tập quán canh tác truyền thống, việc đưa cơ giới vào cánh đồng mía chính là bước đột phá để hạ giá thành, tăng năng suất và nâng cao lợi nhuận cho người nông dân. Điều đó đã được Nhà máy Đường An Khê thực hiện suốt 16 năm qua và tiếp tục duy trì trong thời gian tới nhằm tạo sự an tâm, tin tưởng hơn nữa cho người trồng.

Những khó khăn ban đầu

Nhà máy Đường An Khê được thành lập năm 2000 trên vùng nguyên liệu chưa đến 2.400 ha ở khu vực Đông Gia Lai. Trước năm 2007, hầu hết diện tích mía ở đây đều được sản xuất theo tập quán truyền thống. Đất trồng mía được làm thủ công hoặc dùng máy cày công suất nhỏ nên tạo tầng canh tác rất mỏng, không đủ điều kiện cho mía phát triển và chống chịu hạn; đồng thời, đất lại dễ bị xói mòn, rửa trôi, trở nên nghèo kiệt theo thời gian. Năng suất mía trên toàn vùng vì thế cũng đạt thấp, chỉ khoảng 50 tấn/ha và thường hay mất mùa khi gặp thời tiết bất lợi.

 

 Máy thu hoạch mía liên hợp có công suất trên 500 tấn/ngày. Ảnh: H.T
Máy thu hoạch mía liên hợp có công suất trên 500 tấn/ngày. Ảnh: H.T
Chính sách khuyến khích thực hiện cơ giới hóa

- Hỗ trợ không thu hồi gần 20% đơn giá cơ giới làm đất, trồng, chăm sóc, bón phân (tương đương trên 2,5 triệu đồng/ha). Riêng với diện tích thực hiện cơ giới đồng bộ ở mô hình cánh đồng lớn, mức hỗ trợ là 30%.

- Hỗ trợ không thu hồi tiền thu hoạch mía bằng máy trên 40.000 đồng/tấn.

Trước thực tế đó, Nhà máy Đường An Khê xác định, muốn cây mía có năng suất cao, tăng thu nhập cho người trồng thì không có con đường nào nhanh và hiệu quả bằng việc đưa cơ giới với công suất lớn vào sản xuất mía. Bởi lẽ, thời tiết ở Tây Nguyên nói chung và vùng Đông Gia Lai nói riêng thường xuyên khô hạn kéo dài, trong khi địa phương vẫn chưa chủ động được nguồn nước tưới.

Năm 2007, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi đã đầu tư trên 10 tỷ đồng để mua 10 máy nông nghiệp có công suất lớn cùng các thiết bị phục vụ cho khâu làm đất, chăm sóc mía trên vùng nguyên liệu của Nhà máy. Ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê cho hay: “Ban đầu, việc đưa cơ giới vào sản xuất mía gặp rất nhiều khó khăn do nông dân ở đây đã quen với tập quán canh tác thủ công, thậm chí họ còn sợ cày sâu sẽ hư đất. Để người trồng mía tiếp cận và quen dần với việc áp dụng cơ giới đồng bộ, ngoài việc tích cực tuyên truyền, Nhà máy còn phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng những mô hình mẫu thí điểm giúp bà con thấy được hiệu quả thực sự rồi tự nguyện thực hiện đại trà”.

Cùng với đó, Nhà máy Đường An Khê cũng đưa ra 5 phương thức đầu tư theo từng bước cơ giới cho người trồng mía lựa chọn, gồm: cơ giới hóa khâu làm đất, rạch hàng; cơ giới hóa khâu làm đất, trồng máy; cơ giới hóa khâu làm đất, trồng máy, bón phân; cơ giới hóa khâu rải vôi, làm đất, trồng máy, bón phân và cơ giới hóa đồng bộ từ khâu rải vôi, làm đất, trồng máy, phun thuốc trừ cỏ, bón phân đến thu hoạch.

Qua quá trình thực hiện, năng suất cây mía đã tăng lên, đạt hơn 80 tấn/ha, giá thành sản xuất mía giảm 30%, lợi nhuận đem về hơn 30 triệu đồng/ha. Bình quân lợi nhuận đem lại khi áp dụng các phương thức trên lần lượt là: 25 triệu đồng/ha, 32 triệu đồng/ha, 39 triệu đồng/ha, 41 triệu đồng/ha và 46 triệu đồng/ha. Không những thế, hàm lượng đường trong mía cũng được nâng lên đáng kể.

Đẩy mạnh đầu tư

 

Diện tích thực hiện cánh đồng mía lớn trên toàn vùng ngày càng tăng. Ảnh: Hồng Thi
Diện tích thực hiện cánh đồng mía lớn trên toàn vùng ngày càng tăng. Ảnh: Hồng Thi

Nhờ thấy rõ hiệu quả nên nhu cầu trồng và chăm sóc mía bằng cơ giới của người dân ngày càng tăng. Do đó, hàng năm, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư hàng trăm tỷ đồng để trang bị máy móc, thiết bị hiện đại hơn để phục vụ sản xuất mía. Đến nay, Nhà máy Đường An Khê đã có trên 200 máy cày công suất lớn, trên 500 thiết bị nông nghiệp và 10 máy thu hoạch mía liên hợp với công suất trên 500 tấn/ngày/máy. đồng thời, Nhà máy thường xuyên cải tiến các thiết bị cho phù hợp với tình hình thực tế vùng nguyên liệu nhằm phát huy hiệu quả cao nhất. Xí nghiệp cơ giới nông nghiệp tại An Khê cũng ra đời để thực hiện các khâu cơ giới cho người trồng mía ở vùng nguyên liệu Đông Gia Lai.

Kết quả, trong giai đoạn 2011-2016, tổng diện tích thực hiện cơ giới hóa là 21.488,7 ha, chưa tính khâu thu hoạch máy (7.626,1 ha trồng bằng máy, 6.679,2 ha trồng rạch hàng và 7.183,4 ha chăm sóc, bón phân, phun thuốc và rải vôi bằng máy). Diện tích trồng mới hàng năm bằng cơ giới từ 5.000 đến 6.000 ha. Riêng niên vụ 2016-2017, Nhà máy sẽ tiến hành trồng mới 6.000 ha, trong đó có 2.000 ha cơ giới hóa cánh đồng lớn; chăm sóc, bón phân bằng máy 10.000 ha; thu hoạch mía bằng máy liên hợp trên 200.000 tấn.

“Để thực hiện được điều đó, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư trên diện tích thực hiện cơ giới hóa; tuyên truyền, vận động người sản xuất mía thực hiện cơ giới hóa sản xuất mía, đặc biệt là các bước chăm sóc để giảm chi phí sản xuất và tăng năng suất, chất lượng mía”-ông Phước cho biết.

Với đội ngũ nhân viên lái máy có tay nghề cao cùng quy mô máy móc, thiết bị hiện đại, có thể nói, Nhà máy Đường An Khê là đơn vị đi đầu trong ngành mía đường cả nước về đầu tư và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất mía tiên tiến, đặc biệt là khâu cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất mía hiện nay.

Hiệu quả của từng bước thực hiện cơ giới hóa

1. Rải vôi bằng máy: Giá thành chỉ bằng 1/3 chi phí rải vôi truyền thống. Vôi được rải đều trên mặt ruộng, tránh hao hụt do gió cuốn đi; giảm công lao động và mức độ độc hại cho nhân công tung vôi.

2. Làm đất: Độ sâu trên 35 cm sẽ tạo cho tầng canh tác ngày càng dày hơn; tạo sự thông thoáng của tầng đất canh tác, giúp rễ mía phát triển tốt, hấp thu nhiều dinh dưỡng nuôi cây, nước được thấm sâu; giảm sự rửa trôi trên bề mặt đất khi mưa lớn.

3. Trồng máy: Giảm giá thành so với trồng thủ công trên 1 triệu đồng/ha; mía mọc nhanh, tỷ lệ mọc trên 95%; ruộng mía thông thoáng, dễ chăm sóc, bón phân, dễ kiểm soát sâu bệnh hại. Trồng mía đúng quy trình sẽ tạo điều kiện cho việc áp dụng máy móc vào chăm sóc, bón phân cho mía cũng như thu hoạch bằng máy liên hợp sau này.

4. Chăm sóc, bón phân bằng máy: Giảm 50% giá thành so với cách chăm sóc thủ công. Phân được bón vùi vào rãnh mía, giảm được sự thất thoát lượng phân bón trên 30% so với bón vãi trên mặt ruộng, nhờ đó tiết kiệm được 30% chi phí phân bón. Giảm nhân công làm cỏ, bón phân khi vào thời vụ cao điểm. Đất tơi xốp giúp rễ mía phát triển tốt, hạn chế tối đa tỷ lệ đổ ngã mía. Giảm được tối đa lượng thuốc trừ cỏ trên ruộng mía, giảm ô nhiễm môi trường nước, không khí, đất.

5. Thu hoạch máy: Giải phóng mía nhanh nhờ công suất thu hoạch lớn (5-7 ha/ngày/máy); hạn chế tối đa sự thất thoát khi thu hoạch tối thiểu 5-7 tấn/ha và giá thành thấp hơn 2 triệu đồng/ha so với thu hoạch thủ công. Tiết kiệm khoảng 1 triệu đồng/ha chi phí xén gốc sau thu hoạch. Giữ lại trên ruộng mía một lượng chất hữu cơ từ lá mía (tối thiểu 13-15 tấn rác/ha) và được máy rải đều, góp phần giảm cỏ dại, giảm sự thoát hơi nước, giúp cây mía chống được hạn tốt hơn so với ruộng mía được đốt rác.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm