Thời sự - Bình luận

Nâng cao năng lực phản ứng chính sách

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Bộ Tư pháp vừa thẩm định đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) sửa đổi. Một trong những nội dung mới sau thẩm định là bổ sung quy định ban hành văn bản trong trường hợp khẩn cấp, mật và theo quy trình 3 kỳ họp của Quốc hội.

Bộ Tư pháp vừa thẩm định đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) sửa đổi. Một trong những nội dung mới sau thẩm định là bổ sung quy định ban hành văn bản trong trường hợp khẩn cấp, mật và theo quy trình 3 kỳ họp của Quốc hội.

Nhiều nội dung khác cũng được bổ sung, chỉnh lý hướng đến mục tiêu giảm bớt chủ thể có thẩm quyền ban hành VBQPPL; làm rõ về hiệu lực văn bản, văn bản hợp nhất, các quy định tổ chức thi hành… Đặc biệt, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quá trình xây dựng, soạn thảo VBQPPL cũng sẽ được nhấn mạnh trong dự thảo luật.

Sau hơn 8 năm triển khai thi hành Luật Ban hành VBQPPL, bên cạnh những kết quả đạt được, có nhiều lý do khiến cho luật cần được nghiên cứu sửa đổi. Trong đó, số lượng VBQPPL cần được ban hành ngày càng lớn, đến mức nếu cứ tuân thủ quy trình cũ thì khó có thể đáp ứng được yêu cầu về tiến độ và chất lượng; những quy định quá “cứng” trong luật chưa khuyến khích được các chủ thể phát huy tính năng động, sáng tạo. Việc sửa luật cũng góp phần nâng cao năng lực phản ứng chính sách, xử lý các vấn đề cấp bách phát sinh từ thực tiễn.

Tính đến thời điểm này, Quốc hội đã hoàn thành nghiên cứu, rà soát 131/156 nhiệm vụ xây dựng pháp luật của cả nhiệm kỳ khóa XV, đạt tỷ lệ 83,97%, trong đó có nhiều nhiệm vụ khó, tác động sâu rộng tới toàn xã hội như các đạo luật đất đai, nhà ở, các tổ chức tín dụng…

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, qua 4 kỳ họp, Quốc hội đã thông qua 13 luật, 3 nghị quyết quy phạm pháp luật, cho ý kiến về 11 dự án luật. Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội đã được ghi nhận là kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất tại một kỳ họp kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với việc thông qua 11 luật, 21 nghị quyết, trong đó có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật và cho ý kiến lần đầu đối với 11 dự án luật. Nhiệm kỳ khóa XV mới đi được 2/3 chặng đường, cho nên đây là một con số rất ấn tượng.

Tuy thế, báo cáo về công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội, cũng như các ý kiến phát biểu tại nghị trường về chương trình xây dựng pháp luật mỗi kỳ họp của cơ quan lập pháp đều chỉ ra rằng, hồ sơ một số đề nghị xây dựng luật chưa bảo đảm chất lượng, yêu cầu. Việc gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội nhiều trường hợp chưa bảo đảm thời gian theo quy định.

Cùng với đó, tính dự báo, “gối đầu” của chương trình còn thấp, dẫn đến việc phải bổ sung nhiều dự án vào chương trình, một số dự án trình bổ sung quá sát với kỳ họp Quốc hội, gây không ít khó khăn, bị động cho công tác nghiên cứu, thẩm tra, cho ý kiến của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Cũng đã có những dự luật sau khi được trình sang Quốc hội vẫn chưa thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, nội dung đề nghị sửa đổi không phù hợp với những đánh giá tổng kết thi hành luật.

Để giải tỏa những “nỗi niềm lập pháp” này, có nhiều việc phải làm. Và một trong những việc cần kíp chính là nghiên cứu, sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL.

Theo ANH THƯ(SGGPO)

Có thể bạn quan tâm