Thời sự - Bình luận

Nâng cao nhận thức cộng đồng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thời gian qua, lũ quét, sạt lở đất diễn ra hết sức phức tạp tại các khu vực trung du và miền núi Việt Nam, gây ra những thiệt hại nặng nề về người, tài sản và ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của cộng đồng.

Hệ thống dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn quốc gia đang tiệm cận, sử dụng các sản phẩm cảnh báo lũ quét hiện đại bậc nhất trên thế giới của Mỹ (SeAFFGS) làm công cụ hỗ trợ cảnh báo. Tuy nhiên, lũ quét, sạt lở đất thường chỉ xuất hiện ở một vài điểm trong các tỉnh, thời gian xuất hiện không đồng thời và việc cảnh báo chi tiết đến huyện, xã hoặc khu vực có nguy cơ cao, rất cao chỉ có thể thực hiện trước được khoảng 3 - 6 giờ với độ chắc chắn không cao.

Trước tiên, lũ quét, sạt lở đất vừa qua xảy ra ở phạm vi hẹp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố địa hình, địa mạo, địa chất, thổ nhưỡng, thảm phủ, cường độ mưa và đặc biệt hoạt động con người. Trên thực tế, các thông tin cảnh báo thuộc phạm vi quản lý của nhiều ngành, địa phương, mức độ chi tiết khác nhau và không thể được cập nhật liên tục.

Thứ hai, biến đổi khí hậu toàn cầu làm các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng và trái quy luật, đang đặt ra nhiều thách thức đối với công tác dự báo mưa, đặc biệt trên quy mô hẹp tại từng con suối, các xã. Kể cả khi dự báo chính xác và chi tiết được lượng mưa (ví dụ dự báo mưa định lượng đến ô lưới 1 x 1 km như các nước tiên tiến), vẫn chưa đủ để có thể dự báo chính xác được lũ quét và sạt lở đất, nếu thiếu và chưa xác định kịp thời được các thông tin chi tiết nền như đã nêu ở trên.

Thứ ba, mạng lưới quan trắc phục vụ dự báo, cảnh báo còn thưa so với nhu cầu để phục vụ cảnh báo lũ quét, sạt lở đất. Thu thập dữ liệu và xây dựng hệ thống giám sát còn hạn chế và đòi hỏi nhiều nguồn lực và sự vào cuộc mạnh mẽ từ cơ quan quản lý, dự báo, cảnh báo và sự vào cuộc của từng người dân.

Thứ tư, công nghệ cảnh báo sạt lở đất đang được ứng dụng và phát triển nhưng cảnh báo mới dừng lại ở quy mô lớn (cấp huyện), mức độ chính xác, chi tiết còn hạn chế, đây cũng là thách thức đối với các quốc gia.

Để giải quyết những khó khăn này, cần có phương pháp tiếp cận toàn diện và tích hợp. Đầu tiên là đầu tư vào xây dựng và nâng cấp hệ thống quan trắc và giám sát, giúp tăng tính chính xác trong thu thập dữ liệu và đưa ra thông tin cảnh báo tức thời.

Cùng đó, rà soát, điều tra, khảo sát các khu vực trọng điểm lũ quét, sạt lở đất, các khu vực tập trung dân cư và cần làm thường xuyên; phân vùng nguy cơ, phân vùng rủi ro và tích hợp các bản đồ này vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Điều rất quan trọng là xây dựng và nâng cao nhận thức cộng đồng về nguy cơ sạt lở đất. Đưa ra các biện pháp giáo dục và nâng cao nhận thức cho cộng đồng về nguy cơ và biện pháp phòng tránh, giúp cộng đồng và các chuyên gia cùng làm trong việc ứng phó sạt lở đất. Nghiên cứu và phát triển công nghệ thông tin, mô phỏng số, trí tuệ nhân tạo cũng quan trọng trong việc dự báo sạt lở đất.

Việc theo dõi, thu thập thông tin, cảnh báo, truyền thông cần đẩy mạnh hơn nữa để có thông tin cảnh báo kịp thời, tăng cường hiểu biết của người dân và cơ quan quản lý.

Cuối cùng, cần thúc đẩy các biện pháp chính sách hỗ trợ trong công tác dự báo và cảnh báo sạt lở đất, bao gồm chính sách về hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, chính sách đặc thù cho người làm nghiệp vụ dự báo, cảnh báo thiên tai.

TS Hoàng Văn Đại (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia)

Có thể bạn quan tâm