Xã hội

Gia đình

Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực gia đình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Để nâng cao nhận thức cho người dân về bình đẳng giới (BĐG) và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, hội, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các mô hình, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng.

Ông Nguyễn Văn Hạnh-Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch-cho biết: Hàng năm, Sở phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về BĐG và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới cho cán bộ cơ sở. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ làm công tác BĐG và vì sự tiến bộ phụ nữ được kiện toàn và nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng.

Cán bộ, công chức văn hóa-xã hội trong tỉnh tham gia tập huấn công tác bình đẳng giới. Ảnh: Đ.Y

Cán bộ, công chức văn hóa-xã hội trong tỉnh tham gia tập huấn công tác bình đẳng giới. Ảnh: Đ.Y

Theo đó, ngày 23 và 24-11, 2 đơn vị phối hợp với Vụ BĐG (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) tổ chức 2 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho hơn 100 cán bộ, công chức phụ trách công tác văn hóa-xã hội. Tại đây, bác sĩ Mai Xuân Phương-Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông-Giáo dục (Tổng cục Dân số, Bộ Y tế) đã truyền đạt những nội dung về giới, BĐG, bất BĐG; các hình thức bạo lực, thực trạng và cách thức phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; vấn đề nhạy cảm về giới trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Cùng với đó, báo cáo viên còn giải đáp những vấn đề khó khăn, bất cập mà cán bộ, công chức gặp phải trong quá trình thực hiện công tác BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Trò chuyện cùng P.V, ông Nguyễn Đức Anh-công chức Văn hóa-Xã hội xã Chrôh Pơnan (huyện Phú Thiện) cho biết: “Thông qua lớp tập huấn, tôi nắm rõ hơn về khái niệm, nội dung, mục đích của BĐG. Nhờ đó, tôi sẽ tham mưu lãnh đạo xã xây dựng kế hoạch hành động vì BĐG; đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của người dân về BĐG”.

Còn chị Lâm Thị Mỹ Tính-công chức Văn hóa-Xã hội xã Tân An (huyện Đak Pơ) thì cho hay: “Hơn 10 năm trước, khi được giao nhiệm vụ phụ trách lĩnh vực BĐG, tôi không khỏi băn khoăn, trăn trở vì bản thân còn trẻ, chưa trải qua những lo toan, gánh nặng gia đình mà người phụ nữ gặp phải. Sau đó, tôi được tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực về công tác BĐG do tỉnh, Trung ương tổ chức. Từ đó, tôi hiểu hơn về công việc này, góp phần tham mưu lãnh đạo xã xây dựng chương trình hành động vì BĐG, ngăn ngừa bạo lực gia đình; tổ chức tập huấn cho cộng tác viên ở thôn, làng; đồng thời, tích cực tuyên truyền để các gia đình thay đổi hành vi về BĐG”.

Các sở, ban, ngành của tỉnh thường xuyên phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới cho phụ nữ vùng sâu. Ảnh: Đinh Yến

Các sở, ban, ngành của tỉnh thường xuyên phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới cho phụ nữ vùng sâu. Ảnh: Đinh Yến

Những hoạt động nâng cao nhận thức về BĐG và phòng ngừa, can thiệp và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình trong thời gian qua đã tác động tích cực, nhất là hỗ trợ đối tượng yếu thế ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Bà Rơ Chăm H'Hồng-Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh-thông tin: Hàng năm, Hội phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch đẩy mạnh tuyên truyền về BĐG. Theo đó, 2 đơn vị đã chỉ đạo cấp Hội cơ sở tham gia cuộc thi viết về chủ đề “Gia đình và phòng-chống bạo lực gia đình”, đẩy mạnh tuyên truyền bằng hình thức cổ động trực quan, treo băng rôn, khẩu hiệu tại khu trung tâm cấp huyện, xã các trục đường chính, trụ sở làm việc. Tổ chức trên 100 buổi tuyên truyền với sự tham gia của hơn 10.000 lượt người về nâng cao nhận thức về BĐG; duy trì 22 mô hình phòng-chống bạo lực gia đình và 19 “địa chỉ tin cậy tại cộng đồng”.

Tuy nhiên, trên thực tế, tình trạng bạo lực gia đình vẫn còn tồn tại. Theo kết quả nghiên cứu quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ Việt Nam năm 2019 cho thấy, vẫn còn tới 62,9% phụ nữ từng phải chịu ít nhất một trong các hình thức bạo lực trong cuộc đời; 23,3% phụ nữ từng bị thương tích khi bị chồng/bạn tình bạo lực và những phụ nữ này có nguy cơ gặp vấn đề sức khỏe tâm thần cao hơn gấp 3 lần so với những phụ nữ chưa từng bị bạo lực; 50% phụ nữ bị bạo lực chưa từng kể với ai việc mình bị bạo lực; 90,4% trường hợp bị bạo lực cho biết chưa từng tìm kiếm sự hỗ trợ nào từ cơ quan chức năng hay đơn vị cung cấp dịch vụ.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch cho biết: Khi bị bạo lực, nạn nhân phải lên tiếng vạch trần những việc làm sai trái của kẻ đã gây ra hành vi bạo lực với mình. Năm 2024, Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy thay đổi hành vi thực hiện BĐG. Cùng với đó, tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ tham gia các hoạt động xã hội, có tiếng nói hơn trong đời sống gia đình. Các phòng văn hóa-thông tin cấp huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu về các mô hình, dịch vụ hỗ trợ thực hiện BĐG tại địa phương; nhân rộng những điển hình, người có uy tín, ảnh hưởng tích cực tại cộng đồng và thu hút sự tham gia của nam giới, trẻ em trai trong thực hiện BĐG.

Có thể bạn quan tâm