Sống trẻ - Sống đẹp

Khởi nghiệp

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Khi phụ nữ được hỗ trợ để nâng cao quyền năng kinh tế sẽ kéo giảm nguy cơ mất đi vị thế và sự an toàn. Chính vì vậy, mô hình hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ yếu thế diễn ra trong khuôn khổ Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp tỉnh Gia Lai năm 2023 mang đến những kinh nghiệm hay để các địa phương học tập, vận dụng.

Chuyện ở Tu Mơ Rông

Hợp tác xã (HTX) Thương mại tổng hợp trồng và chế biến dược liệu An Thành (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đại diện cho gian hàng phụ nữ tỉnh Kon Tum tham gia giao lưu kết nối các mô hình hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ bị mua bán trở về.

Chị Trần Thị Kiều Trinh-Trưởng phòng Kinh doanh HTX-cho biết: Đơn vị trồng, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dược liệu chăm sóc sức khỏe, chủ yếu từ sâm Ngọc Linh, các loại nấm và dược liệu từ rừng. Gần 40 sản phẩm của HTX được bào chế từ dược liệu bản địa đưa vào kinh doanh ổn định. Đây là mô hình tiêu biểu của phụ nữ tỉnh Kon Tum về tạo việc làm, hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ có nguy cơ di cư mất an toàn và phụ nữ bị mua bán trở về.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung (bìa phải) cùng lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Gia Lai tham quan gian hàng của Hội LHPN tỉnh Kon Tum (mô hình tiêu biểu hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ bị buôn bán trở về). Ảnh: M.C

Phó Bí thư Tỉnh ủy Rah Lan Chung (bìa phải) cùng lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Gia Lai tham quan gian hàng của Hội LHPN tỉnh Kon Tum (mô hình tiêu biểu hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ bị buôn bán trở về). Ảnh: M.C

Theo chị Trinh, Tu Mơ Rông là huyện còn nhiều khó khăn, thường xảy ra tình trạng di cư mất an toàn. Do trình độ hạn chế, nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số bị vướng vào các tệ nạn xã hội. Nhiều người khi được giải cứu từ Lào, Campuchia trở về rất cần có mô hình hỗ trợ, tạo sinh kế bền vững.

“Do đó, chúng tôi liên kết các hộ dân phát triển vùng nguyên liệu, cấp giống cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, thu mua, bao tiêu sản phẩm. Với hình thức này, HTX tạo mô hình phát triển kinh kế nhằm giúp bà con có nguồn thu nhập ổn định. Giá trị mà chúng tôi nhận lại chính là vùng nguyên liệu bền vững để sản xuất, nguyên liệu có nguồn gốc từ địa phương, không cần nhập từ nơi khác. Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh, huyện luôn song hành, hỗ trợ chúng tôi thông qua hoạt động kết nối, giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm”-chị Trinh cho hay.

Đại diện mô hình tạo sinh kế cho nhóm phụ nữ yếu thế của phụ nữ tỉnh Bình Phước là Công ty TNHH MediFood.Io (thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành). Chị Trần Mạc Vân Anh-đồng sáng lập MediFood.Io là gương mặt trẻ nổi bật trong diễn đàn phụ nữ khởi nghiệp của tỉnh Bình Phước. Năm 2021, chị được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước tặng bằng khen với mô hình tiêu biểu cấp tỉnh “Dự án nông nghiệp sạch MediFood.Io” và được Hội LHPN tỉnh biểu dương là tác giả “Có ý tưởng khởi nghiệp tiêu biểu năm 2020”. MediFood.Io đạt nhiều danh hiệu trên các diễn đàn doanh nghiệp, bán hàng và là dự án duy nhất của tỉnh Bình Phước vào vòng chung kết cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc năm 2022. Với hơn 30 món ăn vặt độc đáo của 54 dân tộc, các sản phẩm của MediFood.Io là một hành trình khám phá Việt Nam qua trải nghiệm món ăn.

Chị Vân Anh chia sẻ: “Sản phẩm cốm gạo MediFood.Io với 100% nguyên liệu địa phương, được sản xuất bởi nhà nông và không sử dụng chất bảo quản đã có mặt gần khắp các tỉnh và siêu thị đặc sản với hơn 8 ngàn bịch/tháng bán ra mà không cần quảng cáo. Chúng tôi dành nhiều thời gian và tâm huyết để hỗ trợ, đồng hành với nhà nông tạo ra từ vùng nguyên liệu cho đến quá trình sản xuất, nhất là mô hình hỗ trợ phát triển nông nghiệp cộng đồng. Kết quả đã tạo việc làm cho nhiều lao động, trong đó có 70% là lao động nữ, giúp họ ổn định cuộc sống tại địa phương. Mặc dù ưu tiên của chúng tôi là lao động nữ, nhưng cũng khuyến khích các cặp vợ chồng cùng làm việc. Đây cũng là cách hướng tới giảm thiểu tình trạng phụ nữ bị bạo lực trên cơ sở giới”.

Chia sẻ kinh nghiệm

Bà Dương Thị Ngọc Linh-Giám đốc Trung tâm Phát triển phụ nữ (Trung ương Hội LHPN Việt Nam) cho biết: Gia Lai là 1 trong 8 tỉnh điểm của Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Với địa hình vùng núi và có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia, phụ nữ có nhiều nguy cơ di cư mất an toàn, bị lôi kéo, dụ dỗ vào các hoạt động mua bán người.

Phụ nữ Gia Lai có nhiều mô hình, sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu được giới thiệu tại chương trình giao lưu kết nối. Ảnh: Minh Châu

Phụ nữ Gia Lai có nhiều mô hình, sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu được giới thiệu tại chương trình giao lưu kết nối. Ảnh: Minh Châu

Do đó, Trung tâm Phát triển phụ nữ tổ chức giao lưu kết nối các gian hàng tại Gia Lai, giới thiệu các mô hình hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ đã thành công, những cách làm hay, những sản phẩm trở thành nguồn cảm hứng để chị em vận dụng khởi nghiệp.

“Chúng ta xác định một điều rằng, khi phụ nữ tự tạo cho mình thu nhập thì sẽ chủ động hơn trong cuộc sống, có tiếng nói trong gia đình và ngoài xã hội, vấn đề như bạo lực, lôi kéo di cư không an toàn dẫn đến bị mua bán hoàn toàn có thể giảm tránh được. Chúng tôi muốn chia sẻ những cách làm hay và kinh nghiệm quý trong khởi nghiệp. Đặc biệt, chúng tôi mời gian hàng của phụ nữ 2 tỉnh Kon Tum, Bình Phước tham gia, bởi họ có những tổ sản xuất tiếp nhận phụ nữ yếu thế, di cư không an toàn vào làm việc. Tôi tin rằng phụ nữ có thu nhập ổn định sẽ không bị kẻ xấu lôi kéo, như đi lao động ở nước ngoài bất hợp pháp”-bà Linh nhấn mạnh.

Giám đốc Trung tâm Phát triển phụ nữ cho biết thêm: Bên cạnh hoạt động của Dự án 8 còn có Đề án 939 hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp. Hoạt động khởi nghiệp có sự phát triển mạnh mẽ, lan tỏa ở các tỉnh, thành trong cả nước. “Nhiều chị em đã có sản phẩm, tên tuổi nhưng chưa tìm được thị trường. Chúng tôi muốn thông qua hoạt động giao lưu này lan tỏa những câu chuyện hay, những sản phẩm truyền cảm hứng khởi nghiệp, giúp họ kết nối tiêu thụ sản phẩm, trong đó có sàn thương mại điện tử”-bà Linh khẳng định.

Có thể bạn quan tâm