Năm 2024, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Đak Pơ phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai mở 12 lớp đào tạo nghề (8 lớp nghề nông nghiệp, 4 lớp nghề phi nông nghiệp) với 351 học viên tham gia.
Anh Đinh Văn Tương (làng Bút, xã An Thành) tham gia lớp học nghề sửa chữa máy cắt cỏ cầm tay. Anh chia sẻ: Sau 2 tháng học nghề, được sự chỉ dẫn nhiệt tình của giảng viên, tôi đã có thể sửa chữa được những hư hỏng của máy cắt cỏ.
Nhờ vậy, tôi tiết kiệm được chi phí và thời gian sửa chữa máy móc, nhất là khi làm ở rẫy xa nhà. Dự kiến trong thời gian tới, tôi sẽ học thêm các lớp sửa chữa máy móc khác để nâng cao tay nghề và có thể mở cơ sở sửa chữa máy cho bà con, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.
Sau đào tạo nghề, nhiều học viên đã thay đổi tư duy sản xuất, biết ứng dụng khoa học kỹ thuật để xây dựng mô hình kinh tế chất lượng, mang lại thu nhập cao. Gia đình anh Đinh Văn Nhoắc (làng Jro Ktu Đak Yang, xã Yang Bắc) có 2,5 ha đất trồng các loại rau màu như: ớt, đậu cô ve, khổ qua, dưa leo và trồng mì.
“Tham gia các lớp đào tạo nghề, tôi nắm được quy trình sử dụng phân hữu cơ và phòng trừ sâu bệnh cho rau màu theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, nhờ kiến thức ở lớp học nghề cùng với việc học hỏi được từ bạn bè, tôi đã thử nghiệm và lắp đặt thành công hệ thống tưới tiết kiệm nước cho vườn cây, giúp tiết kiệm nhân công.
Nhờ đó, tôi đã áp dụng hiệu quả vào thực tế sản xuất nên cây trồng phát triển tốt, cho năng suất cao hơn”-anh Nhoắc nói. Không dừng lại ở đó, anh Nhoắc còn nhận khoán lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước cho người dân trên địa bàn để có thêm nguồn thu nhập.
Ông Đinh Hvư-Phó Chủ tịch UBND xã Yang Bắc-cho biết: Năm 2024, xã Yang Bắc có 55 học viên tham gia học nghề trồng rau an toàn và sửa chữa xe máy được cấp chứng chỉ nghề. Khi kết thúc chương trình đào tạo nghề, người lao động đã chủ động tự tạo việc làm, vận dụng kiến thức, kỹ thuật đã học vào lao động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế gia đình.
Gia đình anh Đinh Glăi (làng Hven, thị trấn Đak Pơ) canh tác 3,5 ha mía và mì. Anh cho biết: “Trước kia, tôi trồng mía theo lối canh tác cũ nên năng suất và hiệu quả thấp. Khi tham gia lớp học nghề trồng mía, tôi được giảng viên chỉ cách chọn giống tốt, xử lý đất trước khi trồng và nhiều kiến thức hữu ích từ việc cày bừa đến bón phân.
Những năm trước, năng suất mía chỉ đạt 5-7 tấn/sào. Sau khi học nghề, tôi biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và trồng giống mía KK3 nên năng suất tăng lên 8-9 tấn/sào. Năm nay, tôi dự kiến đạt lợi nhuận 150 triệu đồng”.
Trao đổi với P.V, bà Trịnh Thị Thanh Hòa-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho biết: Thông qua học nghề, người lao động biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, kết hợp các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất. Một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã biết chuyển đổi cây trồng để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Tính đến ngày 31-10-2024, toàn huyện có 1.850 người lao động được tạo việc làm mới, đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết của Huyện ủy và HĐND huyện đề ra. Năm 2025, Phòng tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tuyên truyền, vận động người lao động trên địa bàn tham gia đào tạo nghề do các cơ sở đào tạo nghề tổ chức theo kế hoạch đề ra.