Thời sự - Bình luận

Đưa lao động phi chính thức trở thành 'tài nguyên'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Theo Công văn 1127 năm 2019 của Tổng cục Thống kê, khu vực phi chính thức bao gồm các cơ sở sản xuất kinh doanh phi nông, lâm nghiệp và thủy sản, sản xuất ra sản phẩm (vật chất, dịch vụ) để bán, trao đổi và không phải đăng ký kinh doanh.

Tuy nhiên, khái niệm này đã phần nào không còn sát với thực tế.

Phạm vi của khu vực phi chính thức rộng hơn thế nhiều. Mỗi ngày, bước ra đường, ta dễ dàng bắt gặp những công việc thuộc khu vực này. Họ là những người bán vé số, bán đồ ăn đường phố, tài xế công nghệ, shipper, bốc xếp rồi tới người bán hàng online, giáo viên tự do, lập trình viên, những người làm công việc tự do (freelancer)… Nói chung là nhiều vô kể.

Làm việc phi chính thức không còn giới hạn ở các công việc phổ thông nữa mà đã trở thành xu hướng khi người lao động (NLĐ) ngày càng thích sự tự do, tự chủ và linh hoạt thay vì gắn bó cố định với một công ty.

Dù vậy, có một đặc điểm chung của nhóm lao động phi chính thức ở nước ta, đó là không có hợp đồng lao động. Nhà nước thường phân biệt lao động phi chính thức với lao động chính thức thông qua quản lý dữ liệu về doanh nghiệp, lao động và bảo hiểm xã hội (BHXH).

Thoạt nhìn, khu vực phi chính thức này có vẻ như đang hiện diện "ngoài rìa" của xã hội, nhưng thực tế nó đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của đất nước (chiếm gần 1/3 tổng sản phẩm quốc nội) và có tác dụng tạo việc làm, cung cấp các sản phẩm, hàng hóa… mà khu vực chính thức chưa phủ kín.

Hiện nay chưa có thống kê cụ thể, toàn diện nào về lực lượng này. Riêng ở thị trường lao động lớn nhất nước - TP.HCM - có gần 5 triệu NLĐ. Trong đó, hơn 53% NLĐ đóng BHXH (tức có hợp đồng lao động), còn lại 47% rất có thể đang làm các công việc phi chính thức.

Lao động phi chính thức ở Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức về phúc lợi xã hội. Do không có hợp đồng, hầu hết NLĐ ở khu vực này không tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2016, khoảng 97,9% NLĐ ở khu vực này tại Việt Nam không có BHXH, chỉ 0,2% được đóng BHXH bắt buộc và 1,9% đóng BHXH tự nguyện. Vì vậy, NLĐ rất dễ bị tổn thương trước các tranh chấp lao động hoặc khi xảy ra sự cố chung (chẳng hạn như dịch Covid-19). Chưa kể, khu vực phi chính thức quá lớn sẽ kéo thấp năng suất lao động quốc gia.

Một bài toán đặt ra chính là làm sao để "chính thức hóa" khu vực phi chính thức. Các chuyên gia đã đề xuất nhiều giải pháp như cấp mã số an sinh xã hội, giấy phép lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu, triển khai các chương trình bảo hiểm linh hoạt và tích hợp hệ thống thu thuế… Nhưng quan trọng nhất, nhà nước cần thay đổi cách nhìn nhận lao động phi chính thức từ một nhóm "bên lề", "khó kiểm soát" thành một "tài nguyên" cần được quản lý và hỗ trợ để đóng góp vào sự phát triển chung.

Theo Phạm Thu Ngân (TNO)

Có thể bạn quan tâm