Thời sự - Sự kiện

Nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ trong giải quyết thủ tục hành chính về đất đai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)-

Đó là đề nghị của Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai Siu Hương tại buổi khảo sát việc giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) về đất đai tại TP. Pleiku diễn ra sáng 29-9.

Tham gia đoàn khảo sát có các đại biểu Quốc hội tỉnh: Lê Hoàng Anh-Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội; Đinh Ngọc Quý-Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội; cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh và lãnh đạo TP. Pleiku.

Còn nhiều vướng mắc, bất cập

Trước khi làm việc với UBND TP. Pleiku, đoàn khảo sát đã tiến hành khảo sát thực tế tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của thành phố (Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh). Tại đây, đoàn đã khảo sát quy trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục; khảo sát ý kiến của người dân đến để giải quyết TTHC về đất đai; ghi nhận về điều kiện làm việc, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…

Bà Siu Hương-Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh (bìa phải) trao đổi với người dân về quy trình giải quyết TTHC liên quan đến đất đai tại buổi khảo sát thực tế. Ảnh: Quang Tấn

Bà Siu Hương-Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh (bìa phải) trao đổi với người dân về quy trình giải quyết TTHC liên quan đến đất đai tại buổi khảo sát thực tế. Ảnh: Quang Tấn

Tại buổi làm việc của đoàn khảo sát với UBND TP. Pleiku, ông Mai Văn Hoàn-Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố-báo cáo: Từ ngày 1-1-2022 đến 30-7-2023, tổng số hồ sơ tiếp nhận và giải quyết theo TTHC thuộc lĩnh vực đất đai là 77.651 hồ sơ giao dịch bảo đảm. Số lượng hồ sơ trễ hạn là 708, chiếm tỷ lệ 0,91%; trong đó có 325 hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất và các loại hồ sơ khác, 383 hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do đăng ký biến động chuyển quyền 1 phần diện tích thửa đất.

Ngoài ra, trong thời gian này, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Pleiku, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng HĐND-UBND thành phố đã tiếp nhận 123 lượt phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan đến lĩnh vực đất đai. Nội dung phản ánh chủ yếu liên quan đến việc chậm trễ trong giải quyết TTHC, hồ sơ kéo dài dẫn đến công dân đi lại nhiều lần.

Đoàn công tác đã đến khảo sát thực tế tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Quang Tấn

Đoàn công tác đã đến khảo sát thực tế tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Quang Tấn

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên được Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố chỉ ra: “Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa phát huy hết tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Công tác tuyên truyền pháp luật trong lĩnh vực đất đai đến với người dân còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai quá nhiều, phức tạp và thường xuyên thay đổi, chồng chéo gây khó khăn cho công tác chuyên môn cũng như tuyên truyền cho người dân hiểu để thực hiện theo các quy định của pháp luật. Hệ thống bản đồ địa chính trên địa bàn thành phố được đo đạc qua nhiều thời kỳ, đến nay đã biến động lớn, nhiều khu vực đo đạc không chi tiết đến từng thửa đất, không đảm bảo tọa độ gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai...”.

Quang cảnh buổi làm việc của đoàn khảo sát với UBND TP. Pleiku. Ảnh: Quang Tấn

Quang cảnh buổi làm việc của đoàn khảo sát với UBND TP. Pleiku. Ảnh: Quang Tấn

Trên tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, các đại biểu của đoàn khảo sát đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cũng như ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của UBND thành phố và các đơn vị liên quan về những vướng mắc trong giải quyết hồ sơ, TTHC trong lĩnh vực đất đai.

Trao đổi với đoàn công tác, ông Võ Phúc Ánh-Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Pleiku-cho biết: Việc chậm trễ hồ sơ TTHC về đất đai thời gian qua không liên quan nhiều về quy trình thủ tục mà chủ yếu về con người (thiếu nhân lực để giải quyết một khối lượng công việc quá lớn, nhất là thời điểm sốt đất năm 2022), công tác phối hợp giữa các đơn vị liên quan có lúc chưa nhịp nhàng. Cùng với đó, hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai hiện nay của thành phố là lấy lại số liệu cũ để số hoá nên tồn tại nhiều bất cập. Hiện UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường cho đo đạc lại toàn bộ hiện trạng đất đai của thành phố và dự kiến hết năm nay sẽ hoàn thành. Từ đó, thành phố sẽ tập trung tuyên truyền, vận động người dân từng bước thực hiện giải quyết hồ sơ, TTHC công theo mức độ 3, 4 trên lĩnh vực đất đai. Một trong những nguyên dân dẫn đến tình trạng trễ hẹn hồ sơ, gây bức xúc dư luận, khiếu nại, khiếu kiện nhiều (chiếm trên 95% đơn thư khiếu nại, khiếu kiện của thành phố) là hiện nay tỉnh chưa có quy định hợp thửa dẫn đến khó khăn trong giải quyết nhu cầu của người dân.

Đại biểu Lê Hoàng Anh-Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế trong giải quyết TTHC về đất đai của thành phố. Ảnh: Quang Tấn

Đại biểu Lê Hoàng Anh-Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế trong giải quyết TTHC về đất đai của thành phố. Ảnh: Quang Tấn

“Đối với các hồ sơ trễ hẹn thì nguyên nhân cũng nhiều, trong đó trễ hẹn lớn nhất là hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu cho người dân, rất phức tạp mất nhiều thời gian khi phải xác minh nguồn gốc ban đầu, thay đổi người sử dụng, tình trạng mua bán qua các thời kỳ… Đối với tình trạng cán bộ nhũng nhiễu như phản ánh của người dân qua các buổi tiếp xúc cử tri, thực tế là có nhưng rất khó xử lý vì không nắm được cụ thể vụ việc. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường trách nhiệm, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng này để không gây bức xúc trong dư luận. Bên cạnh đó, thành phố cũng đang vướng trong việc quản lý, xử lý tình trạng xây dựng nhà trên đất nông nghiệp. Nhiều trường hợp xây dựng nhà khá kiên cố trên đất nông nghiệp, nhưng khi phát hiện, xử phạt thì họ đưa bò, heo vào nhốt để đối phó. Đề nghị các cấp có hướng điều chỉnh các quy định phù hợp để tạo điều kiện cho thành phố quản lý, xử lý vi phạm thuận tiện hơn”-Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Pleiku cho hay.

Cần nêu cao vai trò, trách nhiệm

Nói về vấn đề “nóng sốt”, được các cấp ý kiến nhiều trong thời gian qua là việc nên hay không nên giao Văn phòng Đăng ký đất đai về địa phương quản lý, ông Lê Xuân Khanh-Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai-cho rằng: Vấn đề mấu chốt ở đây không phải là thuộc cấp nào quản lý mà cần xác định rõ vai trò, vị trí của các Văn phòng Đăng ký đất đai mới là quan trọng. Văn phòng Đăng ký đất đai là đơn vị sự nghiệp, có chức năng thay mặt cho người dân làm hồ sơ và chuyển cho cơ quan có thẩm quyền ký nên ở cấp tỉnh hay huyện không quan trọng. Ở đây chúng ta còn lẫn lộn giữa cơ quan quản lý nhà nước và Văn phòng Đăng ký đất đai (đơn vị sự nghiệp). Hiện nay, Văn phòng đang “bị ép” làm rất nhiều phần việc thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước. Ví dụ như ký giấy tờ, Văn phòng Đăng ký đất đai chỉ có trách nhiệm làm hồ sơ, cơ quan hành chính nhà nước phải là người ký chứ không thể giao cho Văn phòng Đăng ký đất đai được. Tôi đề nghị xác định lại trách nhiệm giữa các đơn vị liên quan, minh bạch giữa các đơn vị sự nghiệp và đơn vị quản lý hành chính nhà nước dẫn đến tình trạng đẩy qua, đẩy lại khi giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính về đất đai.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Pleiku Võ Phúc Ánh trao đổi với đoàn khảo sát về những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết TTHC liên quan đến đất đai. Ảnh: Quang Tấn

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Pleiku Võ Phúc Ánh trao đổi với đoàn khảo sát về những khó khăn, vướng mắc trong giải quyết TTHC liên quan đến đất đai. Ảnh: Quang Tấn

Kết luận buổi làm việc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Siu Hương đánh giá cao sự chuẩn bị cũng như làm rõ các vấn đề mà đoàn công tác nêu tại buổi làm việc của các phòng ban chuyên môn, lãnh đạo UBND TP. Pleiku và Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh.

Để việc giải quyết các TTHC liên quan đến đất đai tốt hơn trong thời gian tới, bà Siu Hương đề nghị: UBND thành phố quan tâm chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn thuộc thẩm quyền, tăng cường việc giải quyết TTHC về đất đai cho người dân được tốt hơn. Tập trung các giải pháp cụ thể để xử lý những hồ sơ còn tồn đọng, nhằm giải quyết kịp thời, tránh những bức xúc trong Nhân dân. Đồng thời, đề nghị trong thời gian tới, cần nâng cao hơn nữa công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng như thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong công tác giải quyết hồ sơ, TTHC liên lĩnh vực đất đai.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh mong muốn: “Thời gian tới, TP. Pleiku tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án cơ sở dữ liệu về đất đai để tạo sự đồng bộ, thống nhất về dữ liệu giữa các cấp góp phần nâng cao hiệu quả trong việc quản lý đất đai cũng như phục vụ giải quyết TTHC về đất đai cho cho người dân. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý đất đai, nhất là công tác tiếp nhận, giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc giải quyết TTHC. Qua đó, góp phần đảm bảo giải quyết TTHC đúng thời gian quy định, tăng tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn, tránh tình trạng trễ hẹn vì các nguyên nhân chủ quan”.

Ông Lê Xuân Khanh-Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Quang Tấn

Ông Lê Xuân Khanh-Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Gia Lai phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Quang Tấn

Bên cạnh đó, bà Siu Hương cũng đề nghị UBND thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao và có biện pháp, giải pháp chấn chỉnh các tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng giải quyết hồ sơ trễ hẹn vì lý do chủ quan hay nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân; kịp thời giải quyết các phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến TTHC về đất đai.

Để hoàn thiện bộ khung pháp lý nhằm giúp công tác quản lý trên lĩnh vực đất đai tốt hơn trong thời gian tới, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường hoàn chỉnh cụ thể hơn trong báo cáo, nhất là những kiến nghị về những bất cập để đoàn có cơ sở tổng hợp gửi các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, tháo gỡ. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện TTHC tại các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp huyện; quan tâm tổ chức tập huấn về chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của các Văn phòng Đăng ký đất đai ở cấp huyện, cán bộ địa chính chính các xã, phường...

Có thể bạn quan tâm