Dự tại điểm cầu Gia Lai có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế-Trưởng Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, cùng đại diện các đơn vị thành viên.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Gia Lai. Ảnh: V.T |
Báo cáo tại hội nghị cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, các lực lượng chức năng phát hiện, xử lý 64.185 vụ việc vi phạm (giảm 2,82% so với cùng kỳ). Trong đó, phát hiện, bắt giữ 6.042 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (tăng 172,28% so với cùng kỳ); 55.133 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (giảm 9,7 so với cùng kỳ); 3.010 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ (tăng 8,55% so với cùng kỳ). Thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6.066 tỷ đồng (giảm 7,53% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 650 vụ (giảm 44,25% so với cùng kỳ) với 1.913 đối tượng (giảm 18,82% so với cùng kỳ).
Tuy nhiên, tại hội nghị, các đại biểu cũng cho rằng, số vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng cấm bị phát hiện, xử lý chưa tương xứng với tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ; công tác điều tra, bắt giữ, xử lý đối tượng cầm đầu, chủ mưu còn hạn chế; một số vụ việc không bắt giữ được đối tượng vi phạm. Vẫn còn hiện tượng làm ngơ, bao che, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển hàng cấm, kinh doanh, vận chuyển trái phép hàng nhập lậu, hàng giả.
Việc kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng chưa được thống nhất, chưa thường xuyên, tạo nhiều kẽ hở cho các đối tượng hoạt động. Bên cạnh đó, năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ một số cán bộ, công chức, sỹ quan thực thi nhiệm vụ còn hạn chế, chưa đồng đều, nhất là đối với một số lĩnh vực mới, phức tạp như thương mại điện tử, kinh doanh đa cấp, sở hữu trí tuệ…
Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Ảnh: V.T |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá, qua các số liệu cho thấy trong 6 tháng đầu năm, nhiều vụ việc nổi cộm trên cả nước đã được xử lý. Tuy nhiên, những việc đã làm được vẫn là một phần không lớn, có thể có sự "lọt lưới" ở một số nơi, một số lĩnh vực. Các đối tượng với phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn, các mặt hàng lậu, hàng giả vẫn còn trên thị trường đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.
Bên cạnh những mặt hàng vi phạm mang tính truyền thống, thời gian qua nổi lên một số vấn đề mới cần quan tâm, trong đó có việc lợi dụng “khoảng trống” về hành lang pháp lý trong quản lý thương mại điện tử để thực hiện các hành vi vi phạm.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang lưu ý rằng, nhu cầu tiêu dùng trong các tháng cuối năm sẽ tăng nên tình hình mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng giả sẽ diễn biến phức tạp hơn. Do đó, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để đối phó và xử lý các vi phạm; nên tham khảo các kinh nghiệm của quốc tế về các giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ và xử lý vi phạm. Tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật còn bất cập, những vấn đề vướng mắc cần sửa đổi liên quan đến thể chế, các rào cản trong xử lý vi phạm để cho phù hợp với tình hình.
Đặc biệt, phải nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác đấu tranh, chống buôn lậu, gian lận thương mại; thực thi đạo đức công vụ; bổ sung năng lực làm việc của cán bộ thực thi công vụ. Đồng thời, tiếp tục làm tốt công tác phối hợp thực thi nhiệm vụ, chia sẻ dữ liệu, thông tin giữa các cơ quan, các ngành chức năng; đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức tiêu dùng của người dân…