Sức khỏe

Nâng cao ý thức người dân về phòng-chống bệnh dại

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Ngày Thế giới phòng-chống bệnh dại năm 2023 có chủ đề “Bệnh dại: Một sức khỏe, không tử vong” (One Health, Zero Death). Năm nay, Gia Lai được chọn tổ chức lễ mít tinh cấp quốc gia hưởng ứng với mục đích chính là tăng cường hơn nữa sự vào cuộc của các ban, ngành trong công tác phòng-chống bệnh dại nhằm giảm thiểu người tử vong do bệnh dại; đồng thời, tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức phòng ngừa bệnh.

Sáng qua (27-9), tại TP. Pleiku, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) phối hợp với Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cùng với các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị “Tăng cường vai trò của các bên liên quan trong thực hiện các giải pháp tổng thể phòng-chống bệnh dại thuộc chương trình quốc gia 2022-2030”.

Tại hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ về tình hình dịch bệnh, những khó khăn, thách thức, bài học kinh nghiệm trong phòng-chống bệnh dại của địa phương, đơn vị; đồng thời, dành thời gian thảo luận về công tác tăng cường phối hợp đa ngành, các giải pháp truyền thông tiêm phòng cho đàn chó, quản lý đàn chó, giảm số ca tử vong do dại trên người cũng như ưu tiên các giải pháp trọng tâm để thực hiện chương trình quốc gia phòng-chống bệnh dại trong thời gian tới.

Khi bị chó, mèo nghi dại cắn, người dân cần tiêm ngay vắc xin hoặc huyết thanh kháng dại. Ảnh: N.N

Khi bị chó, mèo nghi dại cắn, người dân cần tiêm ngay vắc xin hoặc huyết thanh kháng dại. Ảnh: N.N

Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Lương Tâm đánh giá: Gia Lai là địa phương có số tử vong do bệnh dại cao nhất cả nước. Trong 11 ca tử vong do bệnh dại thì có 2 ca là người Kinh, còn lại là đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, công tác truyền thông cần được tăng cường hơn nữa, truyền thông sâu rộng, nhất là vùng dân tộc thiểu số để người dân hiểu và nâng cao ý thức phòng ngừa bệnh dại.

“Hiện nay, nguyên nhân tử vong do bệnh dại trên người là do động vật cắn mà không tiêm phòng vắc xin và tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó, mèo đạt thấp. Đây là 2 vấn đề cần được ưu tiên giải quyết trong Chương trình quốc gia phòng-chống bệnh dại giai đoạn 2022-2030, nhằm đạt mục tiêu không còn người tử vong do bệnh dại tại Việt Nam. Muốn đạt mục tiêu này thì bên cạnh sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, cần có sự hợp tác của các ban, ngành, đoàn thể và ý thức của toàn xã hội trong công tác phòng-chống bệnh dại”-ông Tâm nhấn mạnh.

Theo ông Hồ Ngọc Gia-Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 44 trường hợp tử vong do bệnh dại. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 11 ca tử vong do bệnh dại. Bệnh dại xảy ra quanh năm không kể mùa mưa hay mùa khô. Qua xác minh 11 trường hợp tử vong do bệnh dại, 10 ca không tiêm vắc xin phòng dại, 1 ca có tiêm nhưng không đủ liều (1 liều). Bệnh dại khi phát bệnh thì 100% trường hợp mắc bệnh tử vong. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chủ quan phòng bệnh; khi bị chó, mèo cắn không tiêm vắc xin hoặc huyết thanh kháng dại.

Phương pháp phòng bệnh dại hiệu quả nhất là phủ vắc xin dại cho đàn chó, mèo, ít nhất phải đạt 70% tổng đàn. Gia Lai có tổng đàn chó khá lớn (231.463 con/128.025 hộ) nhưng tỷ lệ tiêm vắc xin dại rất thấp. Ông Thái Văn Dũng-Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh-thông tin: Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã triển khai tiêm được 36.901 liều vắc xin dại chó, đạt 16% tổng đàn (năm 2022 chỉ đạt 5,4% tổng đàn). Tỉnh đã triển khai 2 đợt tổng vệ sinh khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi với số lượng hóa chất sử dụng hơn 13.000 lít các loại. Ngành chức năng cũng xử lý 1 vụ vi phạm do không chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó…

Ngoài ra, tỉnh phối hợp với Chi cục Thú y vùng V tổ chức 2 đợt lấy mẫu đầu chó (mỗi đợt 20 mẫu) để giám sát lưu hành vi rút dại tại huyện Đức Cơ và TP. Pleiku. Kết quả đợt 1, 20/20 mẫu không phát hiện vi rút dại. Đợt 2 đang tiến hành phân tích mẫu và hiện chưa có kết quả. Dự kiến từ nay đến cuối năm, ngành chức năng tiếp tục lấy mẫu để giám sát lưu hành vi rút dại trên toàn tỉnh.

Gia Lai tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng-chống bệnh dại. Ảnh: Như Nguyện

Gia Lai tăng cường các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng-chống bệnh dại. Ảnh: Như Nguyện

Cũng theo ông Dũng, khó khăn trong phòng tránh bệnh dại trước tiên là do nhận thức của người dân chưa cao. Gia Lai có số hộ nuôi và tổng đàn chó, mèo lớn; nuôi thả rông, không có chuồng, khu nuôi nhốt riêng chiếm 93%. Người nuôi chó, mèo chưa quan tâm đến việc tiêm vắc xin dại cho đàn vật nuôi nên tỷ lệ tiêm phòng còn rất thấp.

Hệ thống thú y cấp huyện đã sáp nhập vào Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện; cấp xã nhiều nơi không có cán bộ thú y, những nơi có thì đa số kiêm nhiệm hoặc không có chuyên ngành chăn nuôi thú y. Do đó, việc triển khai phòng-chống dịch bệnh trên động vật nói chung, bệnh dại nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc bố trí kinh phí cho công tác phòng-chống bệnh dại trên động vật, cơ sở vật chất, trang-thiết bị phục vụ điều trị dự phòng trên người chưa đảm bảo; công tác thông tin tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng-chống bệnh dại hiệu quả chưa cao.

Để công tác phòng-chống bệnh dại đạt hiệu quả, theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cần đẩy mạnh công tác tiêm chủng vắc xin phòng dại cho đàn vật nuôi (chó, mèo...) để đạt tỷ lệ bao phủ vắc xin theo kế hoạch của tỉnh đề ra (tối thiểu 70%).

Cùng với đó, UBND cấp huyện bố trí kinh phí tiêm phòng miễn phí cho đàn chó, mèo tại các ổ dịch và các xã thuộc khu vực II, III, vùng biên giới, đồng thời hỗ trợ chi phí điều trị dự phòng cho nhân viên thú y, nhân viên y tế, người tham gia phòng-chống bệnh dại, trẻ em dưới 6 tuổi trong vùng bệnh, người nghèo, cận nghèo ở các xã thuộc khu vực II, III, vùng biên giới của tỉnh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh triển khai biện pháp quản lý đàn chó nuôi hộ gia đình; tăng cường tiêm phòng bệnh dại cho đàn vật nuôi; tham mưu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành chính trong quản lý vật nuôi và không tiêm vắc xin cho chó, mèo theo quy định; phối hợp với y tế truyền thông phòng-chống bệnh dại đến cộng đồng.

Bên cạnh đó, các huyện, thị xã, thành phố hình thành hệ thống giám sát bệnh dại ở vật nuôi (chó, mèo); thành lập các đội bắt chó, mèo thả rông, chó không rọ mõm, nghi mắc bệnh dại và tiêu hủy theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm hành chính trong quản lý nuôi chó, mèo và không tiêm vắc xin cho vật nuôi theo quy định.

Có thể bạn quan tâm