Thanh long đã là loại quả mang về doanh thu "tỉ đô" thực sự, chiếm tỉ trọng cao nhất trong ngành hàng rau quả. Số liệu từ Tổng cục Hải quan, qua 11 tháng của năm 2020, dù xuất khẩu thanh long giảm 10,2% so với cùng kỳ năm 2019, giá trị xuất khẩu loại quả này đã vượt mốc 1 tỉ USD (đạt 1,08 tỉ USD). Rõ ràng, trong tổng giá trị xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của Việt Nam năm nay là 41,2 tỉ USD thì mức đóng góp 1 tỉ USD của thanh long không hề nhỏ.
Thế nhưng, câu chuyện của quả thanh long được người tiêu dùng Việt Nam biết đến không phải là thành tích "tỉ đô" hay sự thịnh vượng của người nông dân mà chính là những đợt "giải cứu". Hầu như năm nào cũng có những đợt thanh long dội chợ với giá rẻ nhất thị trường trái cây. Người tiêu dùng ngay tại TP HCM có thể mua loại quả này với giá chỉ 15.000 đồng/2 kg hay 20.000 đồng/3 kg.
Không cần phân tích hay tìm hiểu sâu, tất cả những người có quan tâm đều dễ dàng nhìn nguyên nhân "giải cứu" thanh long ở ngay trong cơ cấu thị trường của loại quả này: dù thanh long đã được mở cửa sang hầu hết các thị trường như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc… nhưng thị trường Trung Quốc vẫn chiếm đến 92,3% tổng giá trị xuất khẩu, tính đến 10 tháng đầu năm 2020. Thế nên, chỉ cần thị trường Trung Quốc có trục trặc thì tại Việt Nam, trái thanh long ngay lập tức lao đao. Hơn nữa, dù xuất khẩu được giá trị lớn nhưng tại Việt Nam, thanh long không phải là loại trái cây hút hàng do không có vị ngọt lịm theo gu số đông của người tiêu dùng.
Thanh long thuận tự nhiên giá cao nhưng được người tiêu dùng TP HCM ưa chuộng. Ảnh: NGỌC ÁNH |
Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng thanh long nhờ quả có màu đỏ đẹp như "rồng" phù hợp để chưng, cúng và rất bổ dưỡng khi ăn. Trước đây, nguồn cung thanh long của Việt Nam còn hạn hẹp, loại quả này từng có giá 50.000 - 60.000 đồng/kg, đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn cho người trồng. Nếu so sánh với cây lúa thì đây là loại cây trồng "siêu lợi nhuận". Thế nên, người dân ồ ạt tăng diện tích, tăng sản lượng và hệ quả tất yếu là giá giảm. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích thanh long hiện nay khoảng 57.000 ha, sản lượng hơn 500.000 tấn, gấp 20 lần (về diện tích và sản lượng) so với 10 năm trước (2010). Ngay tại Trung Quốc, diện tích trồng thanh long đã đạt 35.555 ha, tăng gấp 10 lần chỉ trong vài năm gần đây cho thấy sự cạnh tranh về đầu ra ngày càng gay gắt. Thanh long Việt Nam không chỉ phải canh thời tiết, mùa thuận, mùa nghịch mà còn phải lo né vụ thu hoạch của Trung Quốc để bán được hàng.
Nay, thời hoàng kim của quả thanh long Việt đã qua, ngành thanh long không thể phát triển tự phát như trước mà cần phải có chiến lược bài bản, tương xứng với một ngành "tỉ đô" thật sự. Đã đến lúc ngành thanh long cần đầu tư chiều sâu cho chất lượng cũng như chế biến thay vì phát triển nhanh sản lượng như trước đây. Các dự báo trên thế giới cho thấy nhu cầu quả thanh long vẫn tăng khoảng 4%/năm do người tiêu dùng chuộng những loại quả tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, cạnh tranh ngày càng khốc liệt, không chỉ xuất khẩu mà trong nước người tiêu dùng cũng đòi hỏi cao về chất lượng, an toàn thực phẩm. Thời gian qua đã có những mô hình trồng thanh long theo tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP, GlobalGAP) hoặc thanh long theo hướng hữu cơ. Những mô hình này đã bắt đầu đem lại hiệu quả vì không chỉ an toàn mà chất lượng quả ngon hơn, bán được giá cao hơn.
Theo VƯƠNG NGỌC (NLĐO)