Văn hóa

Cổ học tinh hoa

Nay Tek: Truyền đam mê cồng chiêng cho thế hệ trẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ có năng khiếu và chịu khó tập luyện, ông Nay Tek (SN 1969) đã trở thành người đánh cồng chiêng giỏi ở làng Djriêk, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh. Hơn 4 năm qua, ông Tek đã “truyền lửa” đam mê đến nhiều thế hệ trẻ trong làng, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống.
Chúng tôi biết đến tâm huyết của ông Nay Tek qua lời giới thiệu của anh Nguyễn Tuấn Anh-Phó Bí thư Huyện Đoàn Chư Pưh. Gần đây nhất, trong lần ông Tek cùng đội cồng chiêng của làng đại diện cho thế hệ trẻ của huyện Chư Pưh tham gia Liên hoan cồng chiêng, hát dân ca và diễn tấu nhạc cụ dân tộc thanh-thiếu niên do Tỉnh Đoàn tổ chức, phần trình diễn cồng chiêng của huyện Chư Pưh đã được Ban Giám khảo đánh giá cao vì có sự chuẩn bị tốt về nội dung lẫn hình thức, tái hiện một phần nghi lễ bỏ mả của người Jrai.
 Ông Nay Tek hướng dẫn trẻ em trong làng đánh chiêng. Ảnh: T.B
Ông Nay Tek hướng dẫn trẻ em trong làng đánh chiêng. Ảnh: T.B
Chúng tôi hẹn gặp ông Tek vào một buổi chiều thứ bảy. Rất đông thanh-thiếu niên trong làng đã tập trung tại nhà ông. Họ nhanh chóng cầm chiếc chiêng quen thuộc, xếp vòng tròn để tập bài chiêng “Ru con”. Cả đội gồm 29 thành viên, nam đánh chiêng, nữ múa xoang. Theo dõi cả đội biểu diễn, ông Tek tỏ rõ sự hài lòng vì sự tiến bộ của “học trò”. Chia sẻ về niềm đam mê đối với cồng chiêng, ông tâm sự: “Bố mất khi mình mới 10 tuổi nên không được dạy chơi chiêng. Thấy người lớn đánh chiêng, mình xin học và được bác ruột chỉ dạy. Chắc do đam mê nên mình học rất nhanh, đánh thuần thục những bài chiêng truyền thống của dân tộc”.
Cũng theo chia sẻ của ông, làng Djriêk có nhiều người biết đánh cồng chiêng nhưng phần lớn đều đã lớn tuổi. Trước đây, làng cũng có nhiều chiêng nhưng giờ chỉ còn 2 bộ. Lo lắng bản sắc văn hóa của dân tộc bị mai một, ông đã đề xuất mở lớp dạy đánh chiêng miễn phí cho lớp trẻ trong làng, bản thân mình sẽ là người phụ trách. Người làng Djriêk nhất trí đem bộ cồng chiêng cho ông Tek cất giữ để thuận lợi cho việc tập luyện. Sau đó, ông đến từng nhà thuyết phục phụ huynh, động viên các em theo học. Dần dần, số thành viên tham gia tập luyện ngày càng đông. Cứ vào chiều tối thứ bảy và chủ nhật, khi mặt trời vừa xuống núi là khoảng sân trống bên cạnh ngôi nhà nhỏ của ông lại chật kín các em thanh-thiếu niên đến học đánh cồng chiêng.
Với mỗi bài chiêng mới, ông Tek tận tình hướng dẫn từng em cách đeo chiêng, cầm nắm, gõ để tạo ra âm thanh, tiết tấu, nhịp điệu phù hợp. “Để chơi thuần thục một bài chiêng cần có sự phối hợp nhuần nhuyễn của tất cả thành viên. Vì thế, bên cạnh năng khiếu, sự đam mê, các em cần phải có sự kiên trì, như vậy mới đánh hay được”-ông Tek chia sẻ.
Trong số 17 thành viên của đội chiêng, cậu bé Siu Him (lớp 6 Trường THCS Nguyễn Trãi, thị trấn Nhơn Hòa) luôn được khen ngợi vì nắm bắt nhanh nhịp điệu của từng bài chiêng. Siu Him chia sẻ: “Em mới theo học được hơn 1 năm, càng học em càng thấy thích và chưa vắng mặt buổi tập nào”. Lớp trẻ càng tiến bộ, ông Tek càng vui và tự hào. Càng vui hơn khi con trai của ông cũng rất đam mê cồng chiêng. Thường xuyên tham gia các buổi tập luyện của cha, Siu Thanh (hiện là sinh viên năm 3 ngành Sư phạm Toán, Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh) yêu tiếng cồng chiêng lúc nào không hay và chơi rất giỏi. Ngoài ra, Thanh còn mày mò học chơi thêm nhiều nhạc cụ khác như goong, trưng...
Dịp lễ mừng lúa mới, mừng nhà rông mới..., bên cạnh tiếng cồng chiêng không thể thiếu điệu xoang của các thiếu nữ. Đội múa xoang của làng gồm 12 thành viên do bà Siu H'Peir-vợ ông Tek-hướng dẫn. Bà H'Peir chia sẻ: “Trong làng có nhiều người lớn tuổi hát hay, múa đẹp nhưng bận rộn, vì vậy tôi cố gắng dành thời gian hướng dẫn mấy đứa trẻ. Những điệu xoang, những bài dân ca này mình đã thuộc từ bé, vì không muốn bị mai một nên chỉ lại cho mấy cháu”. Chơi hay nên đội cồng chiêng thanh-thiếu niên làng Djriêk thường được Huyện Đoàn Chư Pưh chọn đi biểu diễn ở nhiều cuộc thi do các cấp tổ chức. Mỗi lần đi thi, ông Tek lại dành thời gian chuẩn bị các mô hình: nhà rông, nhà mồ, mặt nạ, áo choàng của các bram (người làm trò hề)…
Phó Bí thư Huyện Đoàn Chư Pưh Nguyễn Tuấn Anh cho biết: Thời gian qua, Huyện Đoàn đã triển khai cho các tổ chức Đoàn cơ sở tích cực giữ gìn và phát huy truyền thống dân tộc, thành lập các đội cồng chiêng thanh-thiếu niên. Trong đó, đội cồng chiêng làng Djriêk thường được chọn tham gia nhiều cuộc thi, liên hoan. “Ông Nay Tek rất nhiệt tình, sẵn sàng đi cùng đội cồng chiêng để chỉ bảo, hướng dẫn. Chúng tôi thật may mắn khi có ông đồng hành trong các hoạt động giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương”-anh Tuấn Anh nói.
 THỦY BÌNH

Có thể bạn quan tâm