Đến với không gian trưng bày tại quán cà phê Vườn Mai, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi được chiêm ngắm bộ sưu tập hiện vật khá phong phú và đa dạng, gắn liền với đời sống người dân nông thôn vùng Nam Trung Bộ những năm cuối thế kỷ XX.
Trong không gian trưng mở, các hiện vật được bài trí khéo léo, sáng tạo giúp người xem cảm nhận về một vùng quê thanh bình. Chiếc cối xay lúa, dụng cụ quạt lúa, bộ che mía, chài lưới, chiếc gàu sòng, dụng cụ đánh bắt cá... được sắp đặt gọn gàng giúp chúng tôi hình dung một cách rõ nét về những người nông dân chất phác, cần cù, lam lũ. Khi ngắm nhìn chiếc xe đạp với dụng cụ cắt tóc dạo, xe bán cà rem hay chiếc xe ngựa, ký ức tuổi thơ bất chợt ùa về, tươi mới như vừa mới hôm qua.
Một góc trưng bày tại quán. Ảnh: Xuân Toản |
Không dừng lại ở đó, nếp sinh hoạt trong đời sống hàng ngày của người dân cũng được tái hiện qua các hiện vật: chạn bếp, máy may hình con bướm, bàn ủi con gà, máy cassette, ti vi trắng đen, đèn măng xông hay các ngành nghề truyền thống như: nấu rượu, làm bánh tráng, nấu đường cũng được khắc họa một cách chi tiết, sinh động. Tất cả tạo nên không gian ngập tràn ký ức về một vùng quê dung dị, thấm đẫm tình người.
Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, ông Hiền rất thích sưu tầm các thiết bị âm thanh, nhạc cụ như: ti vi, cassette, máy hát, đặc biệt là đầu băng cối Akai-một thương hiệu âm thanh và nhạc cụ của Nhật Bản ra đời từ những năm 40 của thế kỷ XX. Hiện ông Hiền có một phòng trưng bày riêng với khoảng 130 bộ đầu băng cối Akai. Những hiện vật này được ông dày công sưu tầm, tìm kiếm khắp nơi chỉ với một lý do đơn giản là sợ sau này không còn nhìn thấy những vật dụng gắn liền với tuổi thơ trong dòng chảy của xã hội.
Lớn lên ở vùng đất An Nhơn (tỉnh Bình Định), tuổi thơ của ông Hiền gắn liền với miền quê thôn dã. Để khơi gợi, lưu dấu những ký ức đó, ông đã dày công tạo dựng cho mình bộ sưu tập độc đáo này. Với ông Hiền, việc sưu tầm và trưng bày những hiện vật đó không chỉ thỏa mãn niềm say mê mà còn để neo giữ chút hồn quê, vừa góp phần gìn giữ những nét truyền thống của dân tộc.
Ông tâm sự, việc tìm kiếm, sưu tầm hiện vật như một cơ duyên. Lên Pleiku lập nghiệp từ năm 1988 với nghề bán hàng quán, mãi đến năm 2014-2015, ông mới bắt đầu sưu tầm. Đến nay, ông đã sở hữu khoảng 1.000 hiện vật gắn liền với cuộc sống của người dân nông thôn. Với ông, mỗi hiện vật có được đều gắn liền với mồ hôi, công sức, tiền của và biết bao tâm huyết. Ông cho biết, có những lúc chính người thân trong gia đình cũng không ủng hộ việc ông làm. Nhưng rồi theo thời gian, mọi người cũng dần quen và yêu dần những công việc này từ bao giờ không hay.
Sau khi tận tình giới thiệu cho chúng tôi xem từng hiện vật, bà Đặng Thị Trinh (vợ ông Hiền) vui vẻ chia sẻ chuyện nhà. Bà Trinh cũng đã từng phản đối kịch liệt việc chồng mình tốn nhiều công sức, tiền bạc để đổi lấy những thứ được cho là bỏ đi này. Nhưng rồi, khi thấu hiểu tình yêu và niềm say mê của chồng với nét đẹp của văn hóa truyền thống, bà hết lòng ủng hộ.
Ông Võ Văn Hiền thực hiện thao tác tráng bánh phục vụ khách tham quan. Ảnh: Anh Vân |
Trò chuyện với chúng tôi, chị Huỳnh Thị Anh Vân-du khách đến từ TP. Huế-chia sẻ: Chị hết sức cảm phục việc làm của ông Hiền. Niềm đam mê sưu tầm và tình yêu đối với di sản văn hóa giúp ông vượt qua những trở ngại để tiếp tục công việc ý nghĩa này.
Trong bộn bề cuộc sống nơi phố phường tấp nập, một không gian đậm chất thôn dã để chiêm nghiệm, ngẫm nghĩ, thả mình về với tuổi thơ là niềm mơ ước của không ít người xa quê. Việc tạo không gian trưng bày này với ông Hiền không chỉ thỏa mãn niềm đam mê, mà còn là nơi để du khách có thể tham quan, trải nghiệm, giúp thế hệ trẻ cảm nhận cuộc sống dung dị ở vùng nông thôn trong một giai đoạn lịch sử.