Thời sự - Bình luận

Nếu có căn cứ phải khởi tố vụ án hành hung bác sĩ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Công an quận Bình Thạnh - TPHCM đã mời Đ.Q.B (40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) làm việc để làm rõ hành vi hành hung bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) làm việc đối với Đ.Q.B (40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), hành hung bác sĩ. Ảnh: LĐO
Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) làm việc đối với Đ.Q.B (40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh), hành hung bác sĩ. Ảnh: LĐO
Anh B thừa nhận hành vi của mình. Anh B cho biết, khi đưa con đến khám và ngồi chờ bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng 15 phút vẫn chưa có bác sĩ làm việc. Do quá bức xúc nên xảy ra tranh cãi với bác sĩ T dẫn đến hành vi dùng tay bóp cổ bác sĩ T.
Mấy ngày nay, dư luận rất bức xúc về vụ tấn công thầy thuốc ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Không ai có thể chấp nhận được hành vi côn đồ, coi thường pháp luật, coi thường sức khỏe, sinh mạng của người khác.
Coi thường sinh mạng của người mà họ tấn công trực tiếp là một chuyện. Còn nữa, khi người bị tấn công là thầy thuốc, trong khi đang làm việc trong phòng cấp cứu, thì có thể một bệnh nhân nào đó mất đi cơ hội được cứu sống.
Một bác sĩ bị hành hung, tổn thương thể xác, chấn thương tinh thần, không thể làm việc được, thì nhiều bệnh nhân không được chăm sóc. Một bệnh nhân cần cấp cứu nhưng không có đủ bác sĩ để giải quyết thì hậu quả khó lường, có thể bệnh nhân bị nặng hơn, cũng có thể nguy hiểm tới tính mạng.
Hành hung thầy thuốc ngay trong phòng cấp cứu của bệnh viện đâu phải như ẩu đả trên đường sau vụ va quệt xe, tại sao lại xem xét hành vi như "đánh nhau".
Chia sẻ trên Lao Động, bác sĩ Phạm Thanh Việt - Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM - cho rằng, công việc của bác sĩ tại bệnh viện là việc công, là cứu sống mạng sống con người. Cho nên, phải xem hành vi hành hung bác sĩ là "chống người thi hành công vụ" thì phù hợp hơn.
Cũng có quan điểm cho rằng, theo quy định của pháp luật, bác sĩ cũng như những công dân khác đều bình đẳng và đều được pháp luật bảo vệ. Không phải bác sĩ bị đánh thì khác người bình thường. Chính vì vậy, chỉ với trường hợp hành hung, tấn công bác sĩ gây thương tích với tỉ lệ 11% trở lên có thể bị xem xét để xử lý hình sự theo quy định tại điều 104 Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội cố ý gây thương tích. 
Trong khi trên lý thuyết còn có nhiều điểm đang được tranh luận, thì trên thực tế, bác sĩ bị hành hung ngày càng nhiều. Môi trường làm việc trong bệnh viện không được an toàn.
Trở lại với trường hợp tấn công bác sĩ ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định, chính người đánh bác sĩ nói: "Tôi hối hận, do lo lắng về sức khỏe của con gái mình nên đã có hành động trên. Tôi xin lỗi bác sĩ T, cán bộ nhân viên bệnh viện, cộng đồng mạng cùng toàn thể các ban ngành, chức năng và mong muốn được tha thứ để tiếp tục nuôi nấng con cái”.
Nếu cứ đánh bác sĩ, sau đó hối hận xin lỗi là xong, vậy không bao giờ dẹp được tình trạng này. Phải khởi tố hình sự nếu có căn cứ.
Theo Lê Thanh Phong (LĐO)

Có thể bạn quan tâm