Chính trị

Quốc phòng - An ninh

Trong nước

"Nếu giữ đà tăng trưởng, GDP cả năm 2018 có thể vượt 6,7%"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, nếu giữ đà tăng trưởng như vừa qua, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2018 có thể đạt vượt mức 6,7%.
Chủ trì cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 1/10, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ, cho biết kết quả phát triển kinh tế xã hội 9 tháng qua rất đáng khích lệ, đặc biệt là nếu Quý 4 vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khả quan như các quý vừa qua, khả năng tăng trưởng GDP cả năm 2018 hoàn toàn khả thi đạt vượt mức 6,7% như mục tiêu đề ra. Đặc biệt, 9 tháng qua, đã có 8/12 chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2018 đạt kết quả vượt chỉ tiêu, và 4/12 chỉ tiêu đạt. Dự báo sẽ có 9/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch của 5 năm.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp báo của Chính phủ chiều 1/10.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phát biểu tại cuộc họp báo của Chính phủ chiều 1/10.
Cụ thể, theo Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng tiếp tục đà tích cực. GDP 9 tháng tăng 6,98%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng kể từ năm 2011. Trong đó, cả 3 khu vực đều tăng cao: Nông nghiệp tăng 3,65%, công nghiệp và xây dựng tăng 8,89%, dịch vụ tăng 6,89%. Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,65%, là một động lực chính của tăng trưởng kinh tế.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2018 tăng 0,59% so với tháng trước. Chỉ số CPI bình quân 9 tháng năm 2018 tăng 3,57%, dự kiến sẽ kiểm soát được chỉ số CPI theo chỉ tiêu Quốc hội giao là dưới 4%. 
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 179 tỷ USD, tăng 15,4%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 17,5%, cao hơn khu vực FDI tăng 14,6%. "Chứng tỏ khu vực trong nước tăng trưởng xuất khẩu tốt hơn khu vực FDI, sản xuất trong nước tốt" - Bộ trưởng nhấn mạnh. 
Cùng với đó, có 26 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD. Đặc biệt là xuất siêu đạt 5,39 tỷ USD, là mức cao kỷ lục so với cùng kỳ trong nhiều năm qua. Dự kiến xuất khẩu cả năm đạt 238 tỷ USD, xuất siêu ít nhất 1 tỷ USD. 
Về thu hút FDI, tính chung trong 9 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 25,37 tỷ USD, chỉ bằng 99,6% so với cùng kỳ năm 2017. Mức giải ngân vốn FDI đạt 13,25 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2017.
Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước và tương đương 34% GDP. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,3%. Khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng qua đạt 11,6 triệu lượt. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đặt mục tiêu quyết tâm năm nay đạt 15 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam.
Về phát triển doanh nghiệp, 9 tháng qua, cả nước có trên 96.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 963,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% về số doanh nghiệp và tăng 6,7% về số vốn. Có gần 23.000 DN quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và giải thể tăng cũng hơi cao.
Một tín hiệu vui nữa, theo Bộ trưởng, Việt Nam dẫn đầu thế giới về Chỉ số tinh thần khởi nghiệp, với 92% người được hỏi sẽ cân nhắc khởi nghiệp; 88% sẵn sàng chấp nhận rủi ro thất bại khi khởi nghiệp so trung bình thế giới ở mức 47%...
Thu ngân sách 2018 dự kiến tăng khoảng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với 2017. Con số rất ấn tượng là bội chi năm 2018 dự kiến đạt 3,67%, thấp hơn chỉ tiêu Quốc hội giao là 3,7%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội Quốc hội giao từ 33-34% thì dự kiến cả năm vẫn giữ được mức cao là 34%. 
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết, Thủ tướng chỉ đạo, dù kết quả 9 tháng tích cực nhưng các bộ, ngành không được chủ quan, vẫn cần nhìn rõ hơn các tồn tại, bất cập, khó khăn, yếu kém và đưa ra giải pháp cụ thể, nhất là trước tình trạng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là đẩy mạnh cải cách thể chế, sắp xếp bộ máy tinh gọn, tin giản biên chế. Vấn đề điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành đã thực hiện tốt nhưng cần làm tốt hơn. Hiện có có tổng số 9.926 dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành và 120 thủ tục kiểm tra chuyên ngành, mới chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được 1.700 dòng hàng và 30 thủ tục.
Hiện có tổng số 6.191 điều kiện kinh doanh, mới chính thức cắt giảm được 1.133 điều kiện, đạt trên 30% so với yêu cầu. Như vậy, còn phải cố gắng nhiều. Các nghị định cắt giảm các điều kiện kinh doanh đang được các cơ quan hoàn thiện để làm sao trong tháng 10 này Chính phủ ban hành. Với các thủ tục, dòng hàng kiểm tra chuyên ngành cũng vậy.
Hơn nữa, sức ép lạm phát còn rất lớn, cả do nguyên nhân bên trong, bên ngoài, từ tỷ giá, lãi suất, lộ trình thực hiện giá thị trường, tăng lương, lạm phát tâm lý… Do vậy, các bộ, ngành cần theo dõi chặt chẽ để xử lý kịp thời, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát đề ra.
Và, xuất khẩu một số mặt hàng nông sản gặp khó khăn, giá giảm. Tình trạng nông sản nhập khẩu mạo danh sản phẩm trong nước diễn biến phức tạp. Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,8% so với cùng thời điểm năm trước. Doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc....
PV (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm