Thời sự - Sự kiện

Nga không đặt nhiều hy vọng chấm dứt xung đột với Ukraine vào chính quyền mới của ông Trump

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày 26/11, theo hãng thông tấn TASS, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) Alexander Bortnikov nói rằng ông không hy vọng nhiều vào chính quyền mới của ông Trump trong việc giải quyết xung đột với Ukraine.

cac-bo-truong-quoc-phong-duc-phap-va-anh-trong-cuoc-hop-bao-chung-o-duc-ung-ho-quyet-dinh-vien-tro-vu-khi-cho-kiev-reuters.jpg
Các bộ trưởng quốc phòng Đức, Pháp và Anh trong cuộc họp báo chung ở Đức ủng hộ quyết định viện trợ vũ khí cho Kiev. Ảnh: Reuters

Ông Bortnikov đưa ra nhận định khi trình bày tại Hội nghị lãnh đạo cơ quan an ninh và tình báo các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) lần thứ 20 đang diễn ra tại Moscow.

Người đứng đầu FSB giải thích: "Mối đe dọa quân sự từ NATO đang tăng lên đều đặn. Họ đang bám trụ tại các biên giới của Nhà nước Liên minh Nga-Belarus, đẩy mạnh các nỗ lực tăng cường hiện diện ở Bắc Cực và khu vực biển Baltic, tìm cách mở rộng năng lực chiến đấu, tình báo và hậu cần ở Biển Đen, đồng thời tìm cách tiếp cận khu vực biển Caspi".

Bên cạnh đó, một số nước NATO "đang tích cực châm dầu vào lửa bằng cách đổ vũ khí cho các bên đối địch tại các nước CIS".

Nhận định Mỹ và các đồng minh sẽ tiếp tục cố gắng "công khai can thiệp vào các mối quan hệ trong CIS, cản trở quá trình hội nhập" và gây ảnh hưởng tiêu cực tới nỗ lực chung của cộng đồng này trong việc đảm bảo an ninh và ổn định trên toàn Khối thịnh vượng chung, người đứng đầu FSB lưu ý rằng, CIS "phải sẵn sàng cho mọi loại khiêu khích".

Ông Bortnikov cũng nói tổng thống mới của Mỹ "khó có thể dẫn đến những thay đổi căn bản trong chính sách đối ngoại của Washington".

Người phát ngôn Điện Kremlin Peskov trước đó cũng cho rằng Mỹ đang bị các nước phương Tây thao túng và cô lập.

Cũng trong ngày 26/11, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev lên tiếng khẳng định, mối đe dọa về việc chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Ukraine có thể được coi là sự chuẩn bị cho một cuộc xung đột với Nga.

Trên kênh Telegram của mình, ông Medvedev nhấn mạnh, việc chuyển giao vũ khí hạt nhân tại châu Âu có thể được xem là hành động tấn công nước Nga, theo điều 19 của Nguyên tắc chính sách quốc gia trong lĩnh vực răn đe hạt nhân.

Bình luận của ông Medvedev đưa ra khi New York Times đưa tin ngày 25/11 tại Đức, các chính trị gia châu Âu và Mỹ đã đề xuất triển khai vũ khí hạt nhân tại Ukraine hoặc trao trả lại vũ khí hạt nhân mà Ukraine đã từ bỏ sau khi Liên Xô tan rã.

Có thể bạn quan tâm